Điện mặt trời mái nhà: Tìm cơ chế khuyến khích phát triển
Dự thảo lần thứ nhất nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu vừa được Bộ Công Thương đăng tải để lấy ý kiến đóng góp của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.
Bên cạnh những cơ chế khuyến khích được đánh giá là tư duy “cởi trói” đáng hoan nghênh, quy định tính tiền “0 đồng” với điện phát lên lưới điện quốc gia khiến nhiều chuyên gia băn khoăn.
Ưu tiên phát triển không giới hạn
Nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu do Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo đã kịp hoàn thiện dự thảo lần 1 vào ngày 15-4 để đưa ra lấy ý kiến.
Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo “khoanh vùng” đối tượng áp dụng là dự án điện mặt trời mái nhà lắp đặt trên mái các công trình xây dựng, nhằm mục đích tự sản, tự tiêu, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác. Việc phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được quy định phải đăng ký với cơ quan chức năng, nhưng được miễn giấy phép hoạt động điện lực.
Dự thảo cũng nêu rõ, với điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có đấu nối với hệ thống điện quốc gia, các cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền phát hoặc không phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện quốc gia. Trường hợp lựa chọn phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện, đơn vị điện lực ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng và không được thanh toán.
Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có công suất đặt từ 500kWp trở lên phải có hệ thống điều khiển từ xa và kết nối với đơn vị điều độ khu vực. Tổng công suất điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không gây quá tải lưới điện khu vực. Các dự án, hệ thống điện mặt trời mái nhà đã vận hành trước ngày 1-1-2021 và đang mua bán điện với đơn vị điện lực bị nghiêm cấm đấu nối với điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu để trục lợi.
Chính phủ khuyến khích các tổ chức, cá nhân kết hợp điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu với đầu tư, lắp đặt, vận hành hệ thống lưu trữ điện, để chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng điện. Ngoài ra, Chính phủ ưu tiên bố trí ngân sách để phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu lắp đặt tại các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, trụ sở của các cơ quan, đơn vị...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ cân đối, bố trí nguồn vốn đầu tư công để khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Bộ Tài chính cân đối, bố trí ngân sách để khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu; đồng thời hướng dẫn đơn vị điện lực hạch toán đối với phần sản lượng điện dư tiếp nhận vào hệ thống điện quốc gia.
Cân nhắc thêm nhiều nội dung
Nội dung quy định sản lượng điện dư phát vào hệ thống điện với giá 0 đồng và không được thanh toán, nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia. Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho rằng, từ thực trạng thiếu điện cục bộ thời gian qua, quy định trên nên được nghiên cứu lại để khuyến khích người dân lắp đặt tự dùng và đồng thời có thể bán được điện cho đơn vị điện lực với giá hợp lý. “Nếu vẫn giữ nguyên đề xuất ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng thì sẽ hạn chế đầu tư vào điện mặt trời mái nhà, vì khi đầu tư ai cũng muốn thừa điện sẽ được bán và thu tiền. Nếu thừa không bán được thì đầu tư kém hiệu quả”, ông Ngô Đức Lâm nêu.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Ngô Trí Long cũng cho rằng, mức giá 0 đồng sẽ không khuyến khích người dân làm điện mặt trời mái nhà. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng lưu ý thực trạng hệ thống truyền tải điện của Việt Nam còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu nếu để phát triển ồ ạt. Các chính sách quản lý, khuyến khích phát triển phải bảo đảm đầu tư hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là hệ thống truyền tải, giữ an toàn cho hệ thống khi tiếp nhận nguồn điện tái tạo.
Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, từ cuối năm 2020 đến hết tháng 7-2023 còn khoảng 1.030 hệ thống điện mặt trời mái nhà, với tổng công suất khoảng 399,96MWp đã được các tổ chức, cá nhân lắp đặt với mục đích tự sản, tự tiêu, có liên kết với lưới điện nhưng không bán điện cho các đơn vị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Quy định của dự thảo nêu trên có thể sẽ khiến nhiều cá nhân, tổ chức hụt hẫng vì không được thanh toán lượng điện dư phát lên hệ thống.
Giải pháp “cởi trói” cho các tổ chức, cá nhân đầu tư điện mặt trời mái nhà, tránh tình trạng dư thừa, lãng phí được một số chuyên gia gợi ý là cho mua bán điện giữa các hộ trong khu vực, trong các khu công nghiệp… “Việc thuận mua vừa bán giữa các hộ gia đình, một bên không có khả năng đầu tư lắp pin làm điện mặt trời, một bên có thừa điện thì bán bớt. Chi phí lắp đặt pin điện mặt trời hiện đã giảm nhiều nên giá thành điện cũng sẽ giảm”, Giáo sư Trần Đình Long (Hội Điện lực Việt Nam) đề xuất.
Theo quy trình, sau khi tiếp nhận ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân..., Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện dự thảo, trình Chính phủ xem xét quyết định. Trước yêu cầu gấp rút, dự thảo lần 1 và lần 2 của nghị định dự kiến sẽ được hoàn thiện ngay trong tháng 4 để trình Chính phủ vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 tới.