Giải quyết “điểm nóng” từ cơ sở
Đợt giám sát việc chấp hành pháp luật về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của Ban Pháp chế, HĐND thành phố Hà Nội mới đây tại huyện Sóc Sơn cho thấy, tình hình công dân có đơn gửi đến nhiều cấp vẫn diễn biến phức tạp.
Nội dung kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo chủ yếu liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất và chế độ, chính sách về giải phóng mặt bằng. Còn tại quận Long Biên, qua giám sát của Ban Pháp chế, HĐND thành phố Hà Nội cũng ghi nhận, tình hình đơn, thư khiếu nại, tố cáo cũng có chiều hướng tăng. Nội dung đơn, thư của người dân trên địa bàn quận chủ yếu liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, tình trạng ô nhiễm môi trường…
Thời gian qua, công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được lãnh đạo các đơn vị của thành phố quan tâm, chỉ đạo, giải quyết kịp thời, đúng quy định của Luật Tiếp công dân. Các đơn vị thực hiện đúng quy định về tổ chức tiếp công dân; thường xuyên kiện toàn đội ngũ cán bộ tiếp dân có năng lực chuyên môn, nắm vững chính sách, pháp luật…, góp phần hạn chế phát sinh những “điểm nóng” ngay từ cơ sở.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân vẫn còn một số bất cập. Trong đó, có vụ việc chưa bảo đảm về thời hạn và theo yêu cầu của thành phố, có vụ việc để tồn đọng kéo dài, dẫn đến đơn vượt cấp. Thậm chí có những vụ việc phức tạp, tồn đọng nhiều năm chưa được giải quyết dứt điểm gây dư luận không tốt trong xã hội.
Trước yêu cầu cấp thiết trên, UBND thành phố Hà Nội (ngày 11-4) ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 16-12-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024. Trước đó, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng ban hành Kế hoạch số 229-KH/TU ngày 26-3-2024 về tiếp tục tiếp dân, đối thoại thực hiện Quy định số 11-QĐ/TƯ ngày 18-2-2024 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân.
Cả hai văn bản trên đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân trên địa bàn Thủ đô. Trong đó, trọng tâm là tiếp tục quán triệt, thực hiện các văn bản về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo ở địa phương, đơn vị bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này, trước hết cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp trong thực hiện tiếp công dân, đối thoại trực tiếp để giải quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cấp ủy, tổ chức Đảng, các địa phương, cơ quan, đơn vị của thành phố.
Chủ động nắm bắt tình hình “từ sớm, từ xa” nhằm kịp thời phát hiện, đôn đốc giải quyết vụ việc khiếu kiện nổi cộm, phức tạp, kéo dài, còn tồn đọng, tiềm ẩn gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt là xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy ở những nơi để xảy ra “điểm nóng”, chậm giải quyết các vụ việc dân sinh bức xúc, nổi cộm.
Đồng thời, làm tốt công tác truyền thông, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, công dân. Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo đảm thống nhất, công khai, hiệu quả, phục vụ tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để hạn chế công dân khiếu kiện, gửi đơn, thư vượt cấp và phát sinh “điểm nóng” từ cơ sở.