Bí quyết sắp xếp nguyện vọng dự tuyển vào lớp 10
Ngày 19-4, học sinh lớp 9 trên địa bàn Thủ đô chính thức nộp “Phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2024-2025” tại trường.
Đây là khâu quan trọng trong quy trình đăng ký dự tuyển vào lớp 10. Do đó, học sinh cần thận trọng trong việc lựa chọn và sắp xếp các nguyện vọng dự tuyển để có cơ hội trúng tuyển cao nhất.
Hôm qua (15-4), nhiều trường trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội đã phát bản sao “Phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2024-2025” (còn gọi là đơn xanh) cho học sinh.
Từ nay tới trước ngày chính thức nhận đơn xanh và nộp cho giáo viên chủ nhiệm, học sinh và cha mẹ học sinh cần tìm hiểu kỹ các quy định có liên quan đến công tác tuyển sinh, đặc biệt là các nguyên tắc xét tuyển để tránh rơi vào tình trạng điểm cao nhưng không trúng tuyển ở bất cứ nguyện vọng nào.
Ghi nhận chung tại các trường, thời điểm này, bên cạnh việc tăng cường các tiết bổ trợ, “tiết 0” cho học sinh, quan tâm phụ đạo cho học sinh có học lực yếu, các nhà trường còn tăng cường thông tin về các trường trung học phổ thông trên địa bàn và điểm chuẩn vào lớp 10 của từng trường trong 3-5 năm gần đây.
Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) Nguyễn Thị Vân Hồng cho biết, với đặc thù học sinh của trường đều là con em người lao động, trường đặt ưu tiên mục tiêu học sinh phải đủ điều kiện tốt nghiệp trung học cơ sở.
“Ở độ tuổi trung học phổ thông, hầu hết học sinh đều sẽ phải tự di chuyển đi học, vì vậy nhà trường lưu ý cha mẹ học sinh cần đi “tiền trạm” đến những trường trên địa bàn mà các con có dự định học để nắm rõ lộ trình, thời gian di chuyển và những khó khăn có thể gặp phải, từ đó mới đưa ra quyết định nguyện vọng đăng ký” - bà Nguyễn Thị Vân Hồng chia sẻ.
Theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, mỗi học sinh được đăng ký 3 nguyện vọng dự tuyển vào 3 trường trung học phổ thông công lập, nhưng phải xếp theo thứ tự ưu tiên nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3.
Trong đó, nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 phải thuộc cùng một khu vực tuyển sinh theo quy định, nguyện vọng 3 có thể thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ.
Hạn nộp đơn xanh là ngày 19-4 tại trường, học sinh sẽ không được thay đổi nguyện vọng dự tuyển sau khi đã đăng ký. Vì vậy, các em cần lưu ý thật kỹ về cách sắp xếp nguyện vọng để bảo đảm cơ hội trúng tuyển cao nhất.
Thực tế các năm trước đã có trường hợp học sinh trượt cả nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 cách sắp xếp không phù hợp, trong khi điểm xét tuyển của bản thân không thấp.
Để tận dụng tối đa cơ hội trúng tuyển, Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) Lê Hồng Vũ đã chia sẻ “bí quyết” sắp xếp 3 nguyện vọng. Trước tiên, học sinh căn cứ vào năng lực học tập, đối chiếu với điểm chuẩn của trường trong vài năm gần đây. Nguyện vọng 1 cần là trường có điểm chuẩn phù hợp với năng lực, sở thích. Nguyện vọng 2 cần đặt là trường có điểm chuẩn thấp hơn khoảng 3 điểm so với điểm chuẩn của trường nguyện vọng 1 và cùng thuộc khu vực tuyển sinh.
Với nguyện vọng 3, học sinh được lựa chọn ở khu vực tuyển sinh bất kỳ. Đây được xác định là nguyện vọng cứu cánh, dự phòng nếu chẳng may học sinh trượt cả hai nguyện vọng đầu. Nguyện vọng 3 cần đặt là trường có điểm chuẩn thấp hơn khoảng 3 điểm so với điểm chuẩn của trường nguyện vọng 2, thậm chí chênh nhiều hơn 3 điểm.
Ví dụ cụ thể, nếu học sinh thuộc khu vực tuyển sinh 1 (gồm các quận Ba Đình, Tây Hồ), có năng lực học tập tốt thì có thể chọn đăng ký nguyện vọng 1 là Trường Trung học phổ thông Phan Đình Phùng; nguyện vọng 2 là Trường Trung học phổ thông Tây Hồ; nguyện vọng 3 có thể đặt là Trường Trung học phổ thông Tân Lập (huyện Đan Phượng).
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, toàn thành phố hiện có 119 trường trung học phổ thông công lập. Ngoài ra còn hơn 100 trường trung học phổ thông công lập tự chủ tài chính, trường tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trường trung cấp chuyên nghiệp có tuyển học sinh lớp 10. Căn cứ năng lực, nguyện vọng và điều kiện thực tế, học sinh hoàn toàn có thể lựa chọn nguyện vọng phù hợp.