Thế giới

Đình trệ tiến trình giảm nghèo tại các quốc gia nghèo nhất thế giới

Thương Nguyệt 15/04/2024 - 19:22

Tác động của đại dịch Covid-19 đối với các quốc gia nghèo nhất thế giới khiến quá trình giảm nghèo bị đình trệ và dẫn đến khoảng cách thu nhập ngày càng tăng so với các nước phương Tây giàu có.

Báo cáo mới nhất của Ngân hàng thế giới (WB) cho thấy, một nửa trong số 75 quốc gia nghèo nhất thế giới ghi nhận ​​thu nhập bình quân đầu người tăng chậm hơn so với các nước phát triển trong 5 năm qua.

Dữ liệu của WB cũng chỉ ra rằng, trung bình cứ ba quốc gia đủ điều kiện nhận trợ cấp và vay ưu đãi từ Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) thì có một quốc gia nghèo hơn so với thời điểm trước đại dịch Covid-19.

Dù các quốc gia giàu và nghèo đều bị ảnh hưởng bởi đại dịch nhưng tỷ lệ nghèo đói cùng cực ở những quốc gia gặp khó khăn nhất cao hơn 8 lần mức trung bình thế giới. Cứ bốn người thì có một người ở các quốc gia nhận hỗ trợ từ IDA phải xoay sở với mức thu nhập dưới 2,15 USD/ngày.

4050.jpg
Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) cần huy động thêm nguồn vốn để ngăn chặn sự đảo ngược tiến trình giảm nghèo tại những quốc gia nghèo nhất thế giới. Ảnh: The Guardian

Chủ tịch WB Ajay Banga tuyên bố sẽ kêu gọi các quốc gia tài trợ bổ sung nguồn vốn cho IDA để ngăn chặn tình trạng đảo ngược tiến trình giảm nghèo. Những cam kết cuối cùng sẽ được xác nhận cuối năm 2024 nhưng nhu cầu hiện tại của các quốc gia nghèo nhất đồng nghĩa mức tài trợ tiếp theo sẽ lớn nhất mọi thời đại.

“Những quốc gia này hiện chiếm 90% tổng số người đối mặt với nạn đói hoặc suy dinh dưỡng. Một nửa số quốc gia đang gặp khó khăn về nợ nần hoặc có nguy cơ cao mắc nợ”, The Guardian dẫn tuyên bố của WB, ngày 15-4.

Về mặt tích cực, vào thời điểm dân số đang có xu hướng già hóa, các quốc gia được IDA hỗ trợ sẽ có tỷ lệ lao động trẻ ngày càng tăng cho đến năm 2070. Những quốc gia này cũng giàu tài nguyên thiên nhiên, có tiềm năng cao về sản xuất năng lượng mặt trời và sở hữu trữ lượng khoáng sản lớn có vai trò quan trọng trong quá trình thế giới chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Nhà kinh tế trưởng của WB Indermit Gill nhận định: “Thế giới không thể quay lưng với các quốc gia nhận hỗ trợ từ IDA. Phúc lợi của các quốc gia này luôn đóng vai trò quan trọng đối với triển vọng dài hạn cho sự thịnh vượng toàn cầu”.