Xung đột Sudan: Một trong những thảm họa nhân đạo nghiêm trọng nhất lịch sử
Ngày 15-4 đánh dấu 1 năm kể từ khi nổ ra cuộc chiến giành quyền lực giữa hai vị tướng hàng đầu của Sudan, khiến quốc gia 47 triệu dân hứng chịu một trong những thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất lịch sử.
Hàng chục nghìn người Sudan đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh giữa Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) dưới quyền Tướng Abdel Fattah Al-Burhan và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) của Tướng Mohamed Hamdan Dagalo. Xung đột cũng khiến hơn 8,5 triệu người rơi vào cảnh mất nhà cửa, trong đó có 2 triệu người buộc phải chạy trốn sang các quốc gia láng giềng.
Liên hợp quốc cảnh báo, hơn 220.000 trẻ em Sudan đối diện nguy cơ tử vong do thiếu ăn trong những tuần và tháng tới. Đến cuối năm 2024, con số này có thể tăng lên 700.000 trường hợp, tương đương với số ca tử vong trong nạn đói ở Ethiopia những năm 1980.
Cho đến nay, Mỹ và chính phủ nhiều quốc gia khác đã thất bại trong nỗ lực đưa SAF và RSF trở lại bàn đàm phán. Hứa hẹn về các thỏa thuận ngừng bắn nhanh chóng sụp đổ ngay từ những tuần đầu của xung đột, trong bối cảnh người đứng đầu hai lực lượng này không có dấu hiệu nhượng bộ cho đến khi một bên giành chiến thắng.
Chiến tranh đã làm sụp đổ nền kinh tế và sản xuất lương thực mong manh của Sudan. Ước tính, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia Bắc Phi này giảm khoảng 40% so với 1 năm trước. Các cánh đồng ở trung tâm nông nghiệp bang Gezira, khu vực sản xuất một nửa sản lượng lúa miến và lúa mì của Sudan, hiện trong tình trạng bỏ hoang.
RSF, lực lượng giành kiểm soát phần lớn Gezira hồi tháng 12-2023 đã phá hủy hệ thống thủy lợi để ngăn phe đối lập tận dụng làm chiến hào trong các cuộc phản công.
Những hậu quả sẽ trở nên rõ ràng hơn khi Sudan bước vào vụ mùa, vốn đạt năng suất thấp, từ tháng 5 đến tháng 10. Các chuyên gia cảnh báo, đây sẽ là thời điểm nạn đói xảy ra tại nhiều khu vực.
Ngoài sự sụp đổ của nền nông nghiệp, chiến tranh còn khiến các doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm và nhu yếu phẩm phá sản. Vấn đề trở nên tồi tệ hơn khi một số quốc gia láng giềng của Sudan như Chad, Nam Sudan và Ethiopia cũng đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực và những khó khăn trong ứng phó với làn sóng tị nạn chiến tranh ồ ạt.
Các loại thực phẩm ít ỏi sẵn có trở nên quá đắt đỏ đối với những người Sudan đã mất việc làm kể từ khi xung đột nổ ra. Giá các mặt hàng chủ lực như lúa miến, lúa mì và ngô đã tăng gấp 3 lần ở một số thành phố so với 1 năm trước, theo Mạng lưới Hệ thống cảnh báo sớm nạn đói (FEWS NET), một sáng kiến do Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) thành lập sau cuộc khủng hoảng nạn đói những năm 1980.
Liên hợp quốc, Mỹ cùng nhiều quốc gia khác đã chỉ trích SAF và RSF cố tình ngăn chặn viện trợ lương thực đến tay những người đang cần trợ giúp nhất. Trong số khoảng 5 triệu người Sudan đang phải đối mặt với nạn đói khẩn cấp, 90% sinh sống ở những khu vực mà Chương trình Lương thực thế giới (WFP) không thể tiếp cận.
Theo France 24, Pháp tổ chức một hội nghị quốc tế vào hôm nay nhằm thu hút sự chú ý và tìm kiếm đóng góp từ cộng đồng quốc tế đối với cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Sudan.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp Christophe Lemoine cho biết: “Ý tưởng là đưa cuộc khủng hoảng này lên hàng đầu trong chương trình nghị sự. Chúng ta không thể để Sudan trở thành cuộc khủng hoảng bị lãng quên”.
Hội nghị cấp bộ trưởng có sự tham gia của đại diện từ các quốc gia láng giềng với Sudan, cũng như từ các quốc gia vùng Vịnh, các cường quốc phương Tây, bao gồm Mỹ và Anh, cùng các tổ chức khu vực và Liên hợp quốc. Đại diện tổ chức phi chính phủ Human Rights Watch kỳ vọng, hội nghị sẽ đưa ra một thông điệp cứng rắn tới các bên tham chiến, bao gồm những biện pháp trừng phạt nếu cần thiết.