Giao thông

Đường sắt đô thị sẽ là “xương sống” của giao thông Hà Nội

Mai Hữu 15/04/2024 - 18:39

Chiều 15-4, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với UBND thành phố Hà Nội về chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Hải Hưng chủ trì buổi làm việc.

Về phía thành phố Hà Nội, làm việc với đoàn giám sát có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn.

gs6.jpg
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Hải Hưng chủ trì buổi làm việc. Ảnh: Mai Hữu.

Tăng cường quản lý hoạt động vận tải

Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết: UBND thành phố đã chỉ đạo Sở và các đơn vị có liên quan tăng cường công tác quản lý hoạt động vận tải đường bộ nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giảm ùn tắc; phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và các sự kiện diễn ra trên địa bàn.

Đối với vận tải hành khách theo tuyến cố định, thành phố hiện có 6 bến xe; tổ chức 41 cặp điểm đón trả khách cho xe khách liên tỉnh. Ngoài ra, mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt gồm 156 tuyến tiếp cận 30/30 quận, huyện, thị xã, kết nối 6 tỉnh, thành phố lân cận.

Về vận tải hành khách bằng xe taxi, thành phố có 15.430 phương tiện được cấp phù hiệu thuộc quản lý của 62 đơn vị, chưa kể một số lượng lớn xe taxi ngoại tỉnh hoạt động trên địa bàn. Tính đến ngày 24-11-2023, thành phố quản lý 36.726 ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, trong đó có 18.459 ô tô trọng tải dưới 9 chỗ.

gs9.jpg
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: Mai Hữu.

Từ năm 2009 đến hết năm 2023, thành phố đã tổ chức 24.220 kỳ sát hạch; cấp mới 3.094.946 giấy phép lái xe, cấp đổi 1.152.207 giấy phép lái xe. Trong giai đoạn này, các lực lượng Công an thành phố, Thanh tra Sở Giao thông vận tải đã kiểm tra, xử lý gần 9 triệu trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, phạt tiền hơn 3.836 nghìn tỷ đồng.

Đến năm 2023, số điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô giảm xuống còn 33 điểm; có 5 điểm đen về tai nạn hiện đang tập trung xử lý trong năm 2024. Sở Giao thông vận tải cũng rà soát 234 vị trí có mật độ phương tiện giao thông lớn, cần bố trí lực lượng hướng dẫn, phân luồng; 154 vị trí khu vực trường học để thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông; 193 điểm tiềm nguy cơ mất an toàn giao thông để xử lý, khắc phục.

UBND thành phố Hà Nội kiến nghị Bộ Giao thông vận tải tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2019/NĐ-CP, Nghị định 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử lý triệt để các hành vi vi phạm về sử dụng ô tô kinh doanh vận tải hành khách dừng, đỗ tại văn phòng đại diện để bốc xếp, hàng hóa; đơn vị có xe hoạt động tái vi phạm nhiều lần các quy định về hoạt động kinh doanh vận tải..; nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các đơn vị vận tải có ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân, tăng thu ngân sách nhà nước.

gs8.jpg
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Mai Hữu.

Ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng

Thảo luận tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đánh giá thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, triển khai thực hiện quy hoạch và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải; phát triển giao thông vận tải hành khách công cộng, hệ thống giao thông thông minh... Các giải pháp về phòng, chống ùn tắc giao thông được thành phố triển khai đồng bộ, hiệu quả; tình hình tai nạn giao thông giảm dần cả 3 tiêu chí; ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của người dân có bước chuyển biến tích cực hơn…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đôn Tuấn Phong cho rằng, sức ép với giao thông tại Thủ đô là rất lớn với số lượng phương tiện đông, lưu thông trong giờ cao điểm rất khó khăn; hạ tầng giao thông, quỹ đất cho giao thông còn hạn chế; việc thi công các công trình, dự án trọng điểm về giao thông vẫn bị kéo dài.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Trịnh Xuân An nêu vấn đề, liệu thành phố có thực hiện quy hoạch 8 tuyến BRT còn lại hay không khi có nhiều ý kiến trái chiều? “Nếu thực hiện thì điều gì cần rút kinh nghiệm khi ảnh hưởng của hạ tầng BRT đến giao thông chung là có”, ông Trịnh Xuân An nói.

gs7.jpg
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu. Ảnh: Mai Hữu.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết: Hà Nội đã nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch giao thông vận tải tích hợp trong quy hoạch hạ tầng kỹ thuật của quy hoạch chung Thủ đô, đồng bộ với quy hoạch Thủ đô; trong đó bổ sung 24 tuyến giao thông kết nối các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô.

Đối với đường sắt đô thị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, thành phố sẽ quy hoạch phát triển 14 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 550km. “Hệ thống đường sắt đô thị này sẽ là “xương sống” của giao thông đô thị”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nói. Với tuyến BRT, theo điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô, thành phố sẽ thay thế tuyến BRT hiện hữu bằng tuyến đường sắt đô thị.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng cho biết thành phố sẽ tập trung cao độ nguồn lực để hoàn thành 7 dự án đường vành đai, các trục đường hướng tâm, kết nối vùng. Đồng thời, thành phố cũng chuyển đổi các phương tiện xanh, sạch; nâng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đến năm 2025-2026 lên khoảng 30%.

Thay mặt Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Hải Hưng đề nghị các cấp, ngành, lực lượng chức năng của thành phố tiếp tục tăng cường các giải pháp nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ, bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông trên cả đường bộ và đường thủy; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong việc chấp hành các chính sách pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.