Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc được xem xét trong năm 2025
Chiều 15-4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 đối với 11 dự án, dự thảo.
Cụ thể, tại kỳ họp thứ bảy (tháng 5-2024), đề nghị lùi thời hạn trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; bổ sung vào chương trình 3 dự án, dự thảo, trong đó có dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Tại kỳ họp thứ tám (tháng 10-2024), đề nghị bổ sung 8 dự án, gồm bổ sung vào chương trình thông qua với dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; bổ sung vào chương trình cho ý kiến và thông qua theo quy trình 1 kỳ họp đối với dự án Luật Điện lực (sửa đổi); bổ sung vào chương trình cho ý kiến với 6 dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Nhà giáo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Trên cơ sở đề nghị điều chỉnh, bổ sung Chương trình năm 2024 sẽ có 29 dự án, dự thảo do Chính phủ trình, tăng 9 dự án so với chương trình đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Chính phủ cũng đề nghị bổ sung vào chương trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự án Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Về đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, tại kỳ họp thứ chín (tháng 5-2025), trình 17 dự án, trong đó trình Quốc hội cho ý kiến 9 dự án mới, gồm: Luật Cấp, thoát nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Dẫn độ; Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; Luật Tương trợ tư pháp về dân sự; Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi); Luật Đường sắt (sửa đổi).
Tại kỳ họp thứ mười (tháng 10-2025), trình thông qua, dự kiến 9 dự án luật, là các dự án được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ chín. Trong quá trình triển khai thực hiện, Chính phủ sẽ tiếp tục đề xuất bổ sung vào chương trình.
Tại phiên họp, đại diện lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã trình bày tờ trình đề nghị xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về hình sự; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp để Quốc hội có thể cơ bản hoàn thành khối lượng lớn nhiệm vụ lập pháp của nhiệm kỳ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Trong trường hợp cần thiết, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội xem xét tổ chức thêm kỳ họp bất thường hoặc kéo dài thời gian kỳ họp thường lệ của Quốc hội, chia kỳ họp thành các đợt để xem xét, cho ý kiến, thông qua được nhiều dự án luật như đã triển khai trong năm 2023.
Đồng thời, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ và các cơ quan chỉ đạo rà soát, xây dựng kế hoạch ban hành văn bản thực hiện trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ; trong đó, xác định rõ thứ tự ưu tiên để đề xuất với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Cùng với đó, đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan chủ động rà soát, nghiên cứu, đề xuất các nhiệm vụ lập pháp cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI; thực hiện các giải pháp định hướng 5 năm tiến hành sơ kết, 10 năm tiến hành tổng kết việc thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết. Trường hợp phát hiện có mâu thuẫn, chồng chéo hoặc nội dung không còn phù hợp với thực tiễn thì kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp...
Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 với 100% ý kiến tán thành.