Lấp “lỗ hổng” trong hoạt động quảng cáo:Đề cao trách nhiệm của nghệ sĩ
Danh tiếng và trách nhiệm của nghệ sĩ một lần nữa được đặt ra khi mới đây, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đã đề xuất bổ sung quy định quản lý hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng.
Sai thì... xin lỗi?!
Thời gian qua, dư luận không ít lần bất bình trước thực tế một số nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo tràn lan các sản phẩm, dịch vụ không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đúng sự thật mà chính họ lại chưa từng trải nghiệm. Đến khi vỡ lở, công chúng quay lưng, nhiều nghệ sĩ “nước mắt lưng tròng” và cúi đầu xin lỗi.
Có thể kể đến trường hợp của MC Cát Tường. MC này đã phải lên tiếng xin lỗi, mong muốn khán giả tha thứ cho sai lầm. Cô khẳng định đây là bài học “nhớ đời” để bản thân cẩn trọng hơn trong việc giới thiệu sản phẩm đến công chúng, người tiêu dùng. Trước đó, hàng loạt nghệ sĩ nổi tiếng như NSND Hồng Vân, MC Quyền Linh, diễn viên Vân Trang, Nam Thư, Diệu Nhi, ca sĩ Phương Mỹ Chi... cũng đã phải lên tiếng đính chính, xin lỗi khán giả vì quảng cáo sai sự thật. Tuy nhiên, mức phạt cho người quảng cáo sai được cho là chưa đủ sức răn đe.
Chấn chỉnh thực trạng này, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đã đề xuất siết chặt quản lý hành vi của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có tầm ảnh hưởng theo quy định tại Luật Bảo vệ người tiêu dùng, hoặc những người sở hữu tài khoản mạng xã hội trên nền tảng xuyên biên giới có số lượng người theo dõi, đăng ký từ 500.000 người trở lên (KOLs). Cụ thể, dự Luật quy định, người quảng cáo phải có hợp đồng bằng văn bản với tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và phải được tổ chức, cá nhân đó đồng ý, xác nhận vào nội dung quảng cáo trước khi thực hiện. Khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ trên mạng xã hội, người quảng cáo phải có bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm.
Bà Vũ Thu Thủy (Trưởng phòng Quản lý hoạt động Quảng cáo và Tuyên truyền, Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) chia sẻ, quy định này đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội, các nhà quản lý và chính các đối tượng được điều chỉnh. Nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, tô hồng, bôi đen những sản phẩm, dịch vụ mà họ chưa từng trải nghiệm dẫn đến hệ quả vô số người hâm mộ, công chúng vì tin tưởng, nghe theo mà gánh hậu họa. Vì thế, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo sẽ quy định siết chặt hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng, từ đó để tháo gỡ bất cập, chấn chỉnh hành vi tùy tiện của nhiều nghệ sĩ, KOLs.
Sự cẩn trọng cần thiết
Không khó để phân định chất lượng sản phẩm quảng cáo nếu các nghệ sĩ thực sự tỉnh táo và ý thức rõ về trách nhiệm với cộng đồng. Thực tế, đã có không ít nghệ sĩ “nói không” với những quảng cáo mà họ chưa rõ nguồn gốc, độ tin cậy.
Như trường hợp NSND Quốc Anh, ông nhận được nhiều lời mời quảng cáo sản phẩm nhưng không dám nhận bởi không thể xác minh nguồn gốc và lợi ích của sản phẩm. Nhiều nghệ sĩ khác cũng cho rằng, bản thân họ cần phải cẩn trọng khi nhận các sản phẩm quảng cáo, bởi hơn hết, công chúng và người hâm mộ sẽ là đối tượng đầu tiên tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ do họ quảng cáo, giới thiệu. Nếu vì lý do cá nhân, vì mục tiêu thu nhập mà cẩu thả, bỏ qua điều quan trọng là lợi ích, an toàn cho người tiêu dùng thì đó là điều không thể chấp nhận được.
GS.TS Từ Thị Loan (Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long) nhấn mạnh, siết chặt hoạt động quảng cáo sử dụng hình ảnh người nổi tiếng hiện nay rất cần thiết. Quảng cáo vốn là “chiếc bánh màu mỡ”, nơi có nhiều vấn đề. Các nghệ sĩ, người nổi tiếng thường được mời làm hình ảnh đại diện, quảng cáo cho các sản phẩm và dịch vụ, bán hàng online. Đây cũng là hoạt động mang lại thu nhập khá lớn cho người nổi tiếng. Khi “chiếc bánh quảng cáo” quá lớn, các giải pháp quản lý cần được siết chặt, không thể cứ hỗn tạp mãi.
Việc siết chặt quản lý hoạt động quảng cáo đối với người nổi tiếng bằng những quy định pháp lý sẽ hạn chế tình trạng quảng cáo sai sự thật, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và tạo môi trường quảng cáo minh bạch, công bằng. GS.TS Từ Thị Loan đề nghị, nên có các chế tài đủ sức răn đe, nếu vi phạm pháp luật thì xử phạt. Ngoài ra, có thể học hỏi kinh nghiệm Trung Quốc, không đến mức “phong sát”, nhưng có thể có quy định cấm phát sóng trên các phương tiện truyền thông đại chúng đối với các nghệ sĩ có vi phạm tùy theo mức độ như thời hạn 3 tháng, 6 tháng đến 1 năm, thậm chí là vĩnh viễn.
Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam Nguyễn Trường Sơn lưu ý, Luật Quảng cáo hiện hành còn nhiều lỗ hổng, dẫn đến thực tế vừa qua một số nghệ sĩ, KOLs quảng cáo không đúng sự thật nhưng cơ quan chức năng không xử phạt được vì chưa có quy định.
“Khi bị phát hiện quảng cáo sai, có người nhanh chóng xin lỗi, gỡ bỏ các hoạt động quảng cáo, nhưng cũng có người lại chọn làm ngơ, chờ dư luận lắng xuống rồi lại tham gia quảng cáo khác, như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Việc thiếu các quy định về hoạt động quảng cáo của người có sức ảnh hưởng trong xã hội là nguyên nhân khiến cơ quan chức năng đôi khi không xử phạt được hành vi vi phạm. Những quy định mới được đề xuất mang đến kỳ vọng sẽ lấp những lỗ hổng này...” - ông Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.