Đô thị

Đường dành riêng cho người đi bộ: Cần được quan tâm đầu tư

Nhóm Phóng viên 15/04/2024 - 07:08

Ngoài các tuyến phố đi bộ lớn, Hà Nội đã đầu tư các không gian riêng phục vụ người đi bộ nhằm bảo đảm an toàn giao thông và văn minh khu vực. Tuy nhiên, các tuyến đường dành riêng cho người đi bộ này chỉ phát huy giá trị trong thời gian đầu, đến nay đang bị lấn chiếm, rác thải tấn công, công năng không còn nguyên vẹn...

tinh-trang-do-rac-tap-ket-.jpg
Tình trạng đổ rác, tập kết rác, đỗ xe chắn lối ra vào diễn ra khá phổ biến tại tuyến đường dành cho người đi bộ phố Thái Hà (quận Đống Đa).

Tồn tại nhiều bất cập

Không thể phủ nhận vai trò của các tuyến đường dành riêng cho người đi bộ trong tình hình giao thông Hà Nội chật chội, các phương tiện đi lại đông đúc. Người dân các quận Đống Đa, Cầu Giấy, Hoàng Mai... rất phấn khởi khi đường đi bộ Thái Hà, đường Láng, Hồ Tùng Mậu, Giáp Bát... được hình thành giúp giảm gánh nặng cho đô thị. Song, sau một thời gian quay trở lại các tuyến phố, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy sự nhếch nhác, tạm bợ, cũng như những bất cập vẫn còn hiện hữu.

Điển hình, tại tuyến phố đi bộ Hồ Tùng Mậu (quận Cầu Giấy), ngay trước cổng Trường Đại học Thương mại, tình trạng các hộ kinh doanh hàng ăn, trà đá, xe ôm… lấn chiếm để kinh doanh, buôn bán khá phổ biến. Khảo sát sáng 12-4 tại tuyến phố này, ngay tại lối lên xuống dành cho người đi bộ là nhiều xe ôm công nghệ, ô tô đỗ chắn lối đi. Phía bên trong, người bán trà đá vô tư bày bàn ghế phục vụ sinh viên uống nước. Xe máy cũng ngang nhiên đỗ. Trần Thanh Hà, sinh viên Trường Đại học Thương mại cho biết, chiều tối mỗi ngày, tình trạng hàng quán bán hàng khá phổ biến. Khi có lực lượng chức năng tuần tra, nhắc nhở thì họ tạm nghỉ rồi sau đó lại bày hàng ra bán. Nhiều người làm nghề xe ôm cũng thản nhiên đỗ xe bên trong lối đi cho người đi bộ.

Tình trạng đổ rác, tập kết rác cồng kềnh, đỗ xe chắn lối ra vào cũng khá phổ biến tại tuyến đường dành cho người đi bộ phố Thái Hà (quận Đống Đa). Tuyến đường có chiều dài 400m, kéo dài từ ngã tư phố Yên Lãng, Hoàng Cầu đến sát Trung tâm Chiếu phim quốc gia từ lâu là tuyến đường đi an toàn cho người đi bộ. Tuy nhiên, do ý thức người dân chưa cao nên phát sinh tình trạng rác, phế thải bị đổ tràn lan. Ngày 12-4, tại lối vào phố đi bộ, một đống phế thải xây dựng tồn tại lâu ngày chưa được thu dọn đã biến thành nơi vứt rác sinh hoạt. Một chiếc ô tô đỗ chắn ngang khiến người đi bộ phải lách qua khó khăn. Tại dải phân cách phân tách lòng đường và lối đi bộ, cây cối tiêu điều, khô héo, mặt đường đã bắt đầu có dấu hiệu bong tróc, xuống cấp.

Từ ngày 1-2-2024, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã thí điểm làn đường dành riêng cho xe đạp ven bờ sông Tô Lịch có chiều dài 2,3km từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy. Trong đó có 3m dành riêng cho người đi xe đạp và 1m dành cho người đi dọc tuyến đường Láng. Tuy nhiên, sau hơn 2 tháng đi vào hoạt động, tuyến đường luôn vắng vẻ, đìu hiu. Lối ra vào của nhiều đoạn đường trở thành nơi dừng đỗ của xe ôm, tài xế công nghệ, cũng là nơi để xe máy, xe ba gác của khách và người bán hàng trà đá, hàng ăn, khiến người đi bộ, đi xe đạp gặp khó khăn khi di chuyển.

Tăng cường tuần tra, nhắc nhở

Trao đổi về tình trạng rác thải tập kết tại phố đi bộ Thái Hà, Giám đốc Chi nhánh quận Đống Đa (Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội - Urenco) Nguyễn Hoàng Anh cho biết, tình trạng người dân đổ trộm rác thải cồng kềnh, phế thải khá phổ biến trên địa bàn quận, trung bình mỗi ngày 20 tấn rác thải cồng kềnh bị đổ trộm. Bên cạnh đó, tình trạng người dân đổ rác sai giờ, không đúng nơi quy định khá phổ biến, hơn nữa, do quy định cấm giờ xe thu gom rác trong nội đô nên việc thu gom rác thải tại khu vực này nói riêng và trên toàn địa bàn nói chung gặp nhiều khó khăn.

Về vấn đề này, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa Trương Minh Quang thông tin, quận đã chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận và các phường Láng Hạ, Láng Thượng liên tục kiểm tra thực tế về tình trạng đổ rác thải, để các phương tiện chắn lối đi lại tại tuyến phố đi bộ Thái Hà và đường Láng. Các đơn vị phải tổ chức thu dọn, vận chuyển rác về nơi xử lý, bảo đảm vệ sinh môi trường. Để giải quyết những tồn đọng nói trên, theo ông Trương Minh Quang, quận yêu cầu các đơn vị thời gian tới tăng cường tuần tra để lập lại trật tự đô thị, tránh tình trạng lấn chiếm lối đi dành cho người đi bộ.

Về phía chính quyền địa phương, Chủ tịch UBND phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy) Phạm Văn Lợi cho biết, sau khi tiếp nhận phản ánh của Báo Hànộimới về tình trạng chiếm dụng không gian phố đi bộ đường Hồ Tùng Mậu, UBND phường đã yêu cầu lực lượng công an ra quân nhắc nhở, xử lý vi phạm, trả lại không gian riêng cho phố đi bộ. UBND phường thường xuyên chỉ đạo lực lượng công an phường tại các cuộc họp giao ban về việc tuần tra, nhắc nhở người dân không kinh doanh tại địa điểm này và trực tiếp ra quân xử lý các vi phạm về trật tự văn minh đô thị trên địa bàn. Tuy nhiên kết quả vẫn còn nhiều hạn chế nên thời gian tới, UBND phường sẽ xử lý nghiêm vi phạm, có phương án tuần tra, cắm chốt để chống tái vi phạm tại khu vực.

Việc các địa phương xây dựng các tuyến phố dành riêng cho người đi bộ đã thể hiện sự quan tâm đến an toàn giao thông của người dân. Tuy nhiên, để các tuyến đi bộ phát huy tốt giá trị, cần sự quan tâm, đầu tư chăm sóc của các đơn vị chức năng; và cần có biện pháp hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn hành vi chiếm dụng, đổ rác trộm tại những tuyến đường dành cho người đi bộ.