An toàn thực phẩm

Nhiều học sinh trở thành nạn nhân của các vụ ngộ độc thực phẩm:Đưa hàng quán trước cổng trường vào khuôn khổ

Thu Trang 15/04/2024 - 06:56

Liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến thức ăn đường phố, thức ăn bày bán ở khu vực cổng trường xảy ra gần đây khiến người dân bất an. Đáng lo ngại, số lượng hàng quán không bảo đảm an toàn tại các cổng trường mọc lên ngày càng nhiều.

Trước thực tế đó, Hà Nội là địa phương đầu tiên triển khai mô hình “Kiểm soát an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố xung quanh trường học” với mục tiêu ngăn chặn thực phẩm “bẩn” len lỏi vào học đường.

dai-dien-chi-cuc-an-toan-ve.jpg
Cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội kiểm tra một quán ăn đối diện Trường Trung học cơ sở Ngô Sĩ Liên (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Lưu Thu

Xử phạt chỗ này, chạy sang chỗ khác

Theo số liệu mới nhất của Bộ Y tế, trong quý I-2024, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm làm 3 người tử vong, 659 người bị ngộ độc (tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái). Xót xa hơn cả là có nhiều học sinh trở thành nạn nhân của các vụ ngộ độc thực phẩm. Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Hùng Long thông tin, trong số 5 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại thành phố Nha Trang từ đầu năm đến nay có tới 4 vụ liên quan đến các thực phẩm xung quanh trường học, trong đó ghi nhận 1 ca tử vong. Không chỉ có Nha Trang, ở nhiều địa phương khác trên cả nước, an toàn thực phẩm xung quanh trường học luôn là vấn đề “nóng”.

Dạo qua khu vực xung quanh cổng trường ở bất kỳ địa phương nào cũng dễ nhận thấy, số lượng hàng quán mọc lên ngày càng nhiều. Điều đáng nói là những thực phẩm được bày bán ở đây đều có chung đặc điểm: Không nguồn gốc, không xuất xứ, không hạn sử dụng. Thế nhưng, những thực phẩm này vẫn ngày ngày cuốn hút học sinh và trở thành mối nguy hại cho sức khỏe thế hệ tương lai. Em Trần Gia Hào, học sinh lớp 7, Trường Trung học cơ sở Ngô Sĩ Liên (huyện Chương Mỹ) chia sẻ: “Mỗi khi tan học, em đều cảm thấy đói. Do đó, khi thấy các quán hàng bày bán các loại thực phẩm bắt mắt, em đã mua để ăn dù biết không an toàn”.

Từ thực trạng trên, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia phân tích, tác hại đầu tiên khi sử dụng thực phẩm không an toàn là ngộ độc thực phẩm. Tiếp đến là các chất bảo quản, phụ gia, hóa chất, phẩm màu có trong những loại thực phẩm này không ai có thể bảo đảm được về tiêu chuẩn, định lượng và về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Thêm vào đó, những loại thực phẩm bày bán ở gánh hàng rong đều dư lượng muối, dư lượng đường hoặc các chất béo bất lợi cho sự phát triển của cơ thể trẻ.

Tuy nhiên, việc quản lý các hàng quán xung quanh khu vực cổng trường lại gặp nhiều khó khăn. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Trưởng phòng Y tế quận Hoàn Kiếm Phạm Thị Thanh Nhàn cho biết, những cửa hàng cố định đã có giấy chứng nhận và được cơ quan chức năng của quận thường xuyên kiểm tra thì không đáng lo ngại. Ngược lại, những gánh hàng rong thì rất khó quản lý, xử phạt. Cứ vào giờ tan học là đủ loại đồ ăn, thức uống được bày bán trên những chiếc xe đạp, xe đẩy… lại xuất hiện trước cổng trường. Khi cơ quan chức năng đến, họ di chuyển rất nhanh sang địa bàn khác. Thậm chí, khi bị xử phạt, họ sẵn sàng bỏ cả phương tiện, đồ nghề để thoát thân.

Đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt

Với mục tiêu đưa các hàng quán trước cổng trường vào khuôn khổ, năm 2023, quận Hoàn Kiếm đã xây dựng mô hình “Kiểm soát an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố xung quanh trường học”. Từ năm 2024, mô hình này bắt đầu được triển khai tại một số trường như: Tiểu học Trần Quốc Toản, Tiểu học Tràng An, Mầm non Tháng Tám, Trung học cơ sở Hoàn Kiếm, Trung học phổ thông Trần Phú và một số tuyến phố: Nhà Chung, Nhà Thờ, Lý Quốc Sư, Quang Trung, Nguyễn Khắc Cần… trên địa bàn 2 phường: Tràng Tiền và Hàng Trống.

Đối tượng áp dụng mô hình này là các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố xung quanh cổng trường học, gồm: Nhà hàng, cửa hàng ăn uống, quầy hàng kinh doanh thức ăn chín, hàng rong… Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, với mô hình này, quận đặt ra mục tiêu tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; không để xảy ra ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Đồng thời, nâng cao nhận thức của học sinh và cha mẹ học sinh đối với an toàn thực phẩm thông qua việc lựa chọn các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đủ điều kiện an toàn.

Cụ thể, trung bình mỗi cơ sở tham gia vào mô hình sẽ được kiểm tra, giám sát 4 lần với các nội dung: Chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm, nguồn gốc thực phẩm, kiểm nghiệm thức ăn, xét nghiệm nhanh… Lần kiểm tra sau sẽ kiểm tra việc khắc phục những tồn tại, hạn chế của cơ sở mà lần kiểm tra, giám sát trước đã chỉ ra. Đồng thời, lực lượng chức năng xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, công khai trên hệ thống loa truyền thanh phường, trang thông tin điện tử của phường hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng khác.

Để đạt được mục tiêu mà mô hình đề ra đòi hỏi trách nhiệm và sự vào cuộc quyết liệt của các bên liên quan như: Phòng Y tế, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Y tế, UBND các phường, lực lượng công an, nhà trường, cơ sở kinh doanh và phụ huynh học sinh. Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong đánh giá, mô hình “Kiểm soát an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố xung quanh trường học” là mô hình mới, lần đầu tiên triển khai. Do đó, sau khi quận Hoàn Kiếm triển khai mô hình thành công, thành phố sẽ có đánh giá để nhân rộng.