Kết nối để thị trường lao động ổn định, bền vững
Thị trường lao động những tháng đầu năm 2024 tiếp tục duy trì đà phục hồi với nhiều chỉ số tăng nhẹ. Tuy nhiên, bên cạnh xu hướng tích cực cũng bộc lộ những hạn chế cần khắc phục, điển hình là sự lệch pha về cung - cầu lao động.
Trong bối cảnh đó, Công đoàn các cấp đã chủ động phối hợp với cơ quan liên quan, kết nối nhịp cầu lao động với mục tiêu xây dựng và phát triển thị trường lao động ổn định, linh hoạt, đa chiều, bền vững.
Quý I-2024, có khoảng 933.000 người thiếu việc làm
Trước Tết Giáp Thìn, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thường tuyển thêm lao động thời vụ tạm thời hoặc tăng ca để đáp ứng nhu cầu kinh doanh. Tuy nhiên, sau kỳ nghỉ Tết, số giờ làm và số lao động thường giảm. Hệ quả, số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý I-2024 là khoảng 933.000 người, tăng 26.400 người so với quý IV-2023 và tăng 47.200 người so với cùng kỳ năm trước.
Từ thực tế nắm bắt tình hình cơ sở, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá, các doanh nghiệp đang thiếu nhân sự phù hợp hoặc người lao động không đáp ứng được yêu cầu. Thêm nữa, trước quá nhiều nguồn thông tin tuyển dụng trên mạng xã hội, các tờ rơi... hay qua các văn phòng môi giới bị thổi phồng, nhiều lao động cảm thấy bị ngợp. Có những người chi số tiền lớn cho môi giới nhưng vẫn không tìm được việc làm phù hợp. Đối với lao động nữ, việc tiếp cận cơ hội việc làm bền vững, ổn định càng trở nên khó khăn hơn.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, trên thực tế, sự bất bình đẳng tồn tại cả về điều kiện việc làm, trả lương, cũng như cơ hội thăng tiến nghề nghiệp; trong đó, khoảng cách lương giữa nam và nữ là gần 13%. Báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng chỉ ra, tình trạng hạn chế sử dụng lao động nữ từ 35 tuổi trở lên ngày càng phổ biến trên thị trường lao động.
Giúp người lao động đến gần doanh nghiệp
Để tháo gỡ khó khăn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có những đề xuất với Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng chế độ, chính sách đối với lao động. Điển hình là việc góp ý vào dự thảo Bộ luật Lao động 2019 và dự thảo Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động. Trong đó, các nội dung được chú trọng là: Lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới, thực hiện chính sách cho phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi (không sa thải, chấm dứt hợp đồng…); hỗ trợ chi phí gửi trẻ cho lao động có con dưới 6 tuổi; lắp đặt phòng vắt, trữ sữa cho lao động nữ tại nơi làm việc; đào tạo thêm nghề dự phòng phù hợp…
Mới đây, Công đoàn các cấp tổ chức Ngày hội việc làm, tạo sự kết nối cung - cầu giữa các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và các tỉnh, thành phố lân cận, như: Hà Nội, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương. Có hơn 5.000 chỉ tiêu tuyển dụng đến từ một số doanh nghiệp lớn, uy tín như: Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Goertek Vina tuyển 1.000 công nhân sản xuất linh kiện điện tử; Công ty TNHH Dreamtech Việt Nam tuyển 2.000 công nhân… Một số doanh nghiệp cắt giảm lao động trong thời gian qua cũng bắt đầu tuyển dụng trở lại, như: Công ty Foxconn và Công ty ITM cần tuyển khoảng 5.000 người…
Ngay tại Ngày hội việc làm, hơn 200 lượt người đăng ký tuyển dụng, 90 người đăng ký vào các công ty, 20 người được sơ tuyển vòng 1 và 110 người hẹn phỏng vấn sau. Giám đốc Công ty TNHH NB - Vietnam - Consulting Nguyễn Tuấn Anh (có trụ sở tại Hà Nội) cho biết, hiệu quả kết nối cung - cầu không chỉ thể hiện trong phạm vi không gian của Ngày hội việc làm. Từ lúc đăng ký tham gia sự kiện này, thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp được tuyên truyền mạnh mẽ, sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội… Do đây là một kênh tuyển dụng trực tiếp, doanh nghiệp có thể tư vấn cụ thể, rõ ràng chế độ, chính sách lương thưởng cũng như giải đáp các thắc mắc cho người lao động nên nhiều người lao động biết đến nhu cầu của công ty và chủ động gọi điện thoại, sắp xếp lịch phỏng vấn.
Ở cấp cơ sở, tổ chức Công đoàn cũng tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội rà soát thị trường, nhu cầu của các đơn vị đứng chân trên địa bàn. Tại phiên giao dịch việc làm của quận Hà Đông diễn ra trong tháng 4, có 63 đơn vị đã tham gia với 12.517 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh, xuất khẩu lao động, du học. Trong đó, số đơn vị tham gia tuyển dụng, xuất khẩu lao động là 59 đơn vị với 4.197 chỉ tiêu, đa dạng các ngành nghề. Còn trong phiên giao dịch và tư vấn việc làm tại thị xã Sơn Tây, hàng nghìn người lao động địa phương đã được tiếp cận với 34 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, tuyển sinh, xuất khẩu lao động, với mức lương từ 5 đến 15 triệu đồng/tháng.
Rõ ràng, đây không chỉ là sân chơi ý nghĩa, một cơ hội để kết nối lao động với thị trường việc làm, mà còn là minh chứng sống động cho sự quan tâm, đầu tư vào sự phát triển bền vững của nguồn nhân lực trong nước của các cơ quan, ban, ngành và tổ chức Công đoàn.