Phổ biến pháp luật cho người sử dụng lao động và người lao động
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 112/KH-UBND, thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động đáp ứng yêu cầu thực thi các cam kết quốc tế về lao động giai đoạn 2023-2030”.
Kế hoạch nhằm tăng cường sự chủ động, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trên địa bàn thành phố; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người sử dụng lao động và người lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa ổn định tiến bộ trong các doanh nghiệp, góp phần nâng cao kiến thức pháp luật cho cán bộ và nhân dân, thúc đẩy sản xuất phát triển, ổn định xã hội.
Theo đó, kế hoạch đặt ra các mục tiêu cụ thể là bảo đảm 90-100% cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương phổ biến, thông tin kịp thời, đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan quyền, nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động trước và sau khi được ban hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao với nội dung và hình thức phù hợp theo quy định của pháp luật.
Bảo đảm 100% văn bản quy phạm pháp luật, thông tin pháp luật về lao động, quan hệ lao động và nội dung, yêu cầu thực thi cam kết quốc tế về lao động được công khai kịp thời, đầy đủ, chính xác; cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương có trách nhiệm bảo đảm cho người sử dụng lao động và người lao động được tiếp cận thông tin tiện lợi, dễ dàng, nhanh chóng.
Hằng năm, các cơ quan, đơn vị, địa phương tuyên truyền, phổ biến, cập nhật thông tin về pháp luật, chính sách pháp luật lao động theo chức năng, nhiệm vụ được giao và tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, ít nhất 2 cuộc. Bảo đảm 90-100% các câu hỏi và đề nghị tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật lao động của người sử dụng lao động và người lao động được tiếp nhận và hướng dẫn, trả lời.
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, thói quen tìm hiểu và thực hiện pháp luật của người sử dụng lao động và người lao động, đặc biệt là pháp luật về quan hệ lao động, lao động đặc thù liên quan đến việc thực thi các cam kết quốc tế về lao động, nhất là cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên về tự do hiệp hội và thương lượng tập thể; bình đẳng, không phân biệt đối xử trong lao động; phòng chống lao động cưỡng bức; xóa bỏ lao động trẻ em.
Để hoàn thành các mục tiêu trên, UBND thành phố đề ra các giải pháp thực hiện bao gồm: Nâng cao nhận thức, năng lực, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho người sử dụng lao động và người lao động trong bối cảnh mới thực thi các cam kết quốc tế về lao động; triển khai hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho người sử dụng lao động và người lao động đáp ứng yêu cầu thực thi các cam kết quốc tế về lao động.
UBND thành phố yêu cầu các hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật phải có trọng điểm, thực chất, khả thi, từng bước chuyên nghiệp và mang tính bền vững, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động và người lao động, bảo đảm yêu cầu thực thi các cam kết quốc tế về lao động, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Đổi mới, đa dạng các phương thức tổ chức phổ biến giáo dục pháp luật theo phương châm linh hoạt, sáng tạo; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, mạng xã hội; bảo đảm phù hợp với nhu cầu từng nhóm đối tượng; phát huy vai trò, sức mạnh tổng hợp của các hệ thống chính trị, xã hội, khả năng, ưu thế của các loại hình thông tin để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của đề án.