Tin tưởng tuyệt đối vào “cuộc chiến không ngừng nghỉ” của Đảng
Cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng ta, trực tiếp là Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lãnh đạo, chỉ đạo đã đạt những kết quả to lớn, làm nức lòng nhân dân.
Dù vậy, các thế lực thù địch, những kẻ cơ hội chính trị vẫn luôn tìm cách hạ thấp, bóp méo, xuyên tạc cho rằng, Đảng không thể đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.
1. Luận điệu thường được các thế lực thù địch, những kẻ cơ hội chính trị sử dụng nhất, đó là đánh đồng chế độ ta và Đảng Cộng sản Việt Nam giữa vai trò là đảng cầm quyền duy nhất, với tình trạng tham nhũng, tiêu cực. Chúng cho rằng tham nhũng, tiêu cực là “không có thuốc chữa” ở Việt Nam. Nếu chúng nói rõ ràng ý tứ như trên thì có lẽ chẳng cần phải mất công phản bác, bởi thực tiễn cuộc sống hằng ngày trên thế giới và ở nước ta đã quá rõ để cho thấy đây là điều hoàn toàn vô lý. Tuy nhiên, ngày nay, trong bối cảnh mạng xã hội tràn vào đời sống, tin giả, video, hình ảnh giả được dàn dựng y như thật, thì luận điệu này được đan cài rất tinh vi, dễ “ngấm” vào những người thiếu cảnh giác, non kém về nhận thức chính trị. Cho nên rất cần thiết chỉ ra những vấn đề căn bản để trau dồi thêm nhận thức, niềm tin về ý chí quyết tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Trước tiên, không thể đánh đồng tham nhũng, tiêu cực với chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta hay đổ lỗi cho Đảng Cộng sản Việt Nam giữa vai trò cầm quyền duy nhất mà làm phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Vì tham nhũng, tiêu cực là vấn đề nan giải xuất hiện ở mọi thể chế có giai cấp; là "khuyết tật bẩm sinh" của quyền lực nhà nước, là sự tha hóa quyền lực của người có chức có quyền bất kể là ở đâu hay chế độ chính trị nào.
Chính vì tham nhũng, tiêu cực là tệ nạn chung, nên tháng 12-2003, đại diện hơn 120 nước trên thế giới đã họp tại Mexico để thông qua Công ước chống tham nhũng của Liên hiệp quốc. Đến nay, hơn 110 nước, trong đó có Việt Nam, đã ký Công ước này. Liên hợp quốc còn thống nhất lấy ngày 9-12 hằng năm làm Ngày Quốc tế chống tham nhũng. Chưa hết, từ năm 1995 đến nay, Tổ chức Minh bạch quốc tế - một tổ chức phi chính phủ hằng năm đã tiến hành thu thập thông tin, dữ liệu thực tiễn ở các nước trên thế giới để đưa ra chỉ số nhận thức tham nhũng (Corruption Perceptions Index - CPI) chấm điểm từ 0 đến 100 để phản ánh mức độ tham nhũng ở mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong những bản công bố mới nhất, có khoảng 180 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá. Việt Nam chỉ là một trong số đó.
Tham nhũng, tiêu cực không chỉ tồn tại phổ biến trên thế giới mà còn là "cơn đau đầu kinh niên", nỗi nhức nhối của chính phủ và người dân các nước. Từ kết quả đánh giá chỉ số CPI suốt những năm qua, Tổ chức Minh bạch quốc tế chỉ ra rằng, mức độ tham nhũng đã không cải thiện hoặc xấu đi ở hơn 86% quốc gia (trong khoảng 10 năm từ 2012-2022), trong 5 năm từ 2018 đến 2022, ngay cả những quốc gia có thứ hạng cao như Áo, Luxembourg và Vương quốc Anh cũng tụt hạng nghiêm trọng (trong khi Việt Nam là 1 trong 5 nước có những cải thiện tích cực mạnh mẽ nhất).
Nói vậy để thấy rõ rằng, tham nhũng, tiêu cực không phải tệ nạn riêng của nước nào hay đặc thù của chế độ chính trị nào và đương nhiên là khó có thể xóa bỏ tận gốc. Mức độ tham nhũng, tiêu cực ở mỗi nước cao hay thấp phụ thuộc vào nỗ lực và hiệu quả của các biện pháp đấu tranh ở đó.
2. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, nhất là trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận thức sâu sắc về tệ nạn tham nhũng và nguy cơ, coi tham nhũng là một trong những "kẻ thù hung ác", là "nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ", từ đó sớm đề ra các chủ trương, đường lối nhằm huy động cả hệ thống chính trị từ trung ương xuống cơ sở vào cuộc, quyết tâm từng bước đẩy lùi tệ nạn này.
Ngày 1-2-2013, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, lãng phí (nay là Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực) đã chính thức được thành lập và bắt đầu triển khai các hoạt động. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là Trưởng ban Chỉ đạo. Hơn 10 năm qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược. "Lò đốt" tham nhũng luôn rực lửa. Tâm lý trước đây cho rằng, phòng, chống tham nhũng mới chỉ “tắm từ vai trở xuống”, không đụng đến cán bộ lãnh đạo cấp cao dần mất đi.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào" đã được thực hiện nghiêm, có kết quả quá rõ qua hàng loạt đại án tham nhũng được điều tra, khởi tố và xét xử.
Với việc triển khai đồng bộ trong cả hệ thống chính trị, nhất là sau khi thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh ở 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do đồng chí Bí thư cấp ủy cấp tỉnh làm Trưởng ban Chỉ đạo, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn khắc phục được tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”; giờ đây trên nóng, dưới cũng đã nóng dần lên.
Những con số thống kê dưới đây là minh chứng xác đáng cho những nhận định. Trong giai đoạn 2012-2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức Đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 29 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương; 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang đã bị kỷ luật. Chỉ tính riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, Trung ương cũng đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ thuộc diện quản lý, trong đó có 8 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, 20 sĩ quan cấp tướng.
Nhờ quyết liệt đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên tinh thần “trị bệnh cứu người”, Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất làm nên những thành tựu có ý nghĩa lịch sử của đất nước trong gần 40 năm đổi mới, nhất là trong những năm gần đây trong khi thế giới đầy biến động khó lường, Việt Nam vẫn là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế và phát triển toàn diện. Quy mô nền kinh tế Việt Nam đến nay đã đạt hơn 430 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người tương đương với 4.300 USD/năm; là đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2023 đạt gần 700 tỷ USD.
3. Tham nhũng, tiêu cực còn rất phức tạp, nhưng có thể khẳng định đã được đẩy lùi một bước đáng ghi nhận. Tinh thần thượng tôn pháp luật ngày càng được củng cố vững chắc trong xã hội. Khái niệm “hạ cánh an toàn” trước gần như mặc định đối với những cán bộ về hưu, nhưng nay, chỉ có những người thực sự trong sạch mới có thể “kê cao gối ngủ”.
Cuộc chiến phòng, chống “giặc nội xâm” tham nhũng, tiêu cực ở nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng sẽ ngày càng đi vào chiều sâu; đã quyết liệt càng quyết liệt hơn, không ngừng, không nghỉ như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã khẳng định. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai đồng bộ, thống nhất với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Các biện pháp kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống” sẽ tiếp tục được triển khai một cách toàn diện, từng bước hướng tới mục tiêu để cán bộ không thể, không dám và không muốn tham nhũng.
Trong bối cảnh đó, sự ủng hộ, tin tưởng của cán bộ, đảng viên đối với quyết tâm chính trị của Đảng là vô cùng quan trọng. Niềm tin, sự ủng hộ đó cần được thể hiện một cách thiết thực bằng cách chủ động phát hiện, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, những kẻ cơ hội chính trị về cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng lãnh đạo. Đồng thời, mỗi người trước hết là mỗi cán bộ, đảng viên cần tự trang bị cho mình một bản lĩnh chính trị vững vàng, một tinh thần chiến đấu mạnh mẽ để vượt qua mọi cám dỗ, bởi tham nhũng, tiêu cực là “giặc ở trong lòng” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, nếu tự thân không tu dưỡng đạo đức cá nhân thật tốt thì bất kỳ ai cũng có thể phạm vào tham nhũng, tiêu cực.