Diễn viên, đạo diễn, NSƯT Hữu Mười:Sứ mệnh của nghệ thuật là tạo ra giá trị chân - thiện - mỹ
Thuộc lớp diễn viên khóa II, Trường Điện ảnh Việt Nam (nay là Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội), tên tuổi Hữu Mười gắn liền với những bộ phim nổi tiếng như “Làng Vũ Đại ngày ấy”, “Bao giờ cho đến tháng Mười”... Bên cạnh thành công trong vai trò một diễn viên, anh còn là đạo diễn “mát tay” với các bộ phim “Chiếc hộp gia bảo”, “Mùi cỏ cháy”, “Trên đỉnh bình yên”... được công chúng nhiệt tình đón nhận.
1. NSƯT Hữu Mười sinh năm 1957 tại Hưng Yên, trong một gia đình đông con (anh có 11 anh chị em) và không có ai làm nghệ thuật. Trong những năm đất nước còn chia cắt, ngành điện ảnh Việt Nam đã cho ra đời nhiều bộ phim về công cuộc chiến đấu và bảo vệ đất nước của dân tộc, được trình chiếu rộng rãi ở miền Bắc. Hữu Mười ước mơ một ngày nào đó được xuất hiện trên phim giống như thần tượng của anh thời đó là diễn viên Lâm Tới, Trà Giang, Thế Anh...
Thế rồi cơ hội đã tới vào năm Hữu Mười 17 tuổi. Đó là khi Đoàn kịch Trung ương về quê anh biểu diễn. Hữu Mười rủ bạn đi mua vé xem và nhìn thấy tờ giấy thông báo tuyển diễn viên được dán tại quầy bán vé, trong đó yêu cầu người dự thi nộp ảnh chân dung kèm đơn viết tay. Anh lập tức hoàn tất “hồ sơ” dự thi và hăm hở mang đi nộp. Tuy nhiên, người cán bộ đoàn kịch khi nhận lá đơn chỉ có 6 dòng chữ viết tay của Hữu Mười đã quá thất vọng, phê bình “quá cẩu thả” và trả lại đơn. Không nản lòng, anh nói lời xin lỗi người cán bộ và xin được viết đơn lại. May mắn đã mỉm cười với anh khi chàng trai xứ nhãn lần lượt vượt qua các vòng sơ loại, năng khiếu để lọt vào vòng chung tuyển tổ chức tại Hà Nội. Rồi Hữu Mười trở thành sinh viên của lớp Diễn viên điện ảnh khóa II Trường Điện ảnh Việt Nam cùng với các bạn học, sau này cũng là những diễn viên nổi tiếng như Minh Châu, Thanh Quý, Ngọc Thu, Bùi Bài Bình, Vũ Đình Thân, Phương Thanh, Bùi Cường...
Tốt nghiệp năm 1977 khi vừa tròn 20 tuổi, Hữu Mười về công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam. Anh không nề hà trước bất cứ vai diễn nào được giao, dù là chính hay phụ, chính diện hay phản diện bởi tâm niệm rằng mình cần trải qua nhiều dạng vai khác nhau để tự khám phá năng lực. Đó là Phùng - chàng thanh niên lười biếng trong “Khôn dại”, là nông dân Khang chậm chạp, ngại lao động trong “Ngày ấy bên sông Lam”, là Toàn trong “Những người đã gặp” và mật vụ Bẩy Cứ trong “Phương án ba bông hồng”...
Bước ngoặt lớn trong sự nghiệp diễn xuất của Hữu Mười đến khi anh được đạo diễn Phạm Văn Khoa mời đóng vai chính - thầy giáo Thứ - trong "Làng cũ ngày mòn" (sau đổi tên thành “Làng Vũ Đại ngày ấy”). Niềm vui đến cùng áp lực, anh dốc sức nghiên cứu vai diễn bằng cách tìm hiểu sâu tâm lý nhân vật trong cụm tác phẩm: “Chí Phèo”, “Sống mòn”, “Lão Hạc” của nhà văn Nam Cao. Anh cũng xin ý kiến nhà văn Kim Lân, người sống cùng thời với nhà văn Nam Cao đồng thời là người đóng nhân vật lão Hạc trong phim, nhờ ông chỉ dẫn "tuyệt chiêu" vào vai ông giáo Thứ (nguyên mẫu Nam Cao) một cách thật nhất, từ phong cách tới ngôn từ, thái độ điềm tĩnh, chuẩn mực ở một con người đức độ, nhân từ. Và Hữu Mười hóa thân trọn vẹn thành ông giáo Thứ. Trong những ngày quay phim tại Hà Đông, đoàn phim bất ngờ được đón các nhà văn nổi tiếng Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Kim Lân đến thăm và trong bữa trưa, "ông giáo Thứ" Hữu Mười đã nhận được lời khen “giống phong thái Nam Cao” từ các nhà văn nổi tiếng. Điều đó giúp Hữu Mười tự tin đi hết quãng đường làm phim, “bỏ túi” vai diễn đáng nhớ trong sự nghiệp diễn xuất của mình, đến mức bây giờ người yêu điện ảnh Việt mỗi khi gặp Hữu Mười ngoài đời vẫn gọi anh là "giáo Thứ".
2. Dáng người cao, khuôn mặt vuông chữ điền, đôi mắt sâu trầm buồn chứa chất tâm sự cộng với thành công của vai giáo Thứ, Hữu Mười đã chứng minh mình có tố chất thể hiện các vai diễn có số phận, đòi hỏi phải thể hiện chiều sâu nội tâm nhân vật, đặc biệt là vai thầy giáo. Hai năm sau, anh vào vai thầy giáo nghèo giàu tình thương khi được đạo diễn Đặng Nhật Minh mời tham gia bộ phim “Bao giờ cho đến tháng Mười” và giành giải Nam diễn viên chính xuất sắc tại Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ VII, năm 1985. Cho đến giờ nhiều người hâm mộ điện ảnh Việt vẫn không thể quên hình ảnh thầy giáo Khang khắc khổ mang trong lòng mối tình với Duyên, người phụ nữ có chồng mất trong chiến tranh. Dù rất yêu thương Duyên nhưng anh không thể bày tỏ với cô. Hai con người cô quạnh, đơn lẻ vẫn không dám vượt qua định kiến để nắm lấy hạnh phúc của mình. Anh giáo Khang giỏi giang, tốt bụng, có trái tim nhân hậu cùng tình cảm chân phương mộc mạc trong phim đã được Hữu Mười thể hiện một cách chân thực và giàu cảm xúc, chiếm trọn tình cảm của người xem...
Sau đó, Hữu Mười gác lại nghề diễn để trở thành sinh viên vào năm 1987 khi được cử đi học tại Trường Đại học Điện ảnh Quốc gia Liên bang Nga (VGIK) theo Hiệp định hợp tác văn hóa giáo dục Việt Nam - Liên Xô. Tại đây, anh theo học chuyên ngành Đạo diễn và nhận tấm bằng tốt nghiệp sau 7 năm học tập. Trở về nước, Hữu Mười đóng thêm 2 phim điện ảnh gồm “Nước mắt thời mở cửa” và “Bỏ trốn” trước khi chính thức làm công việc đạo diễn phim tại Hãng phim truyện Việt Nam.
Chuyển sang làm đạo diễn, Hữu Mười vẫn giữ phương châm để nghệ thuật tập trung vào sứ mệnh của nó là vươn tới cái đẹp, tạo ra giá trị chân - thiện - mỹ. Là đạo diễn phim chiến tranh “Mùi cỏ cháy”, anh xác định làm phim như một cách nhắc nhở các thế hệ người Việt Nam không quên những người đã hy sinh xương máu cho nền độc lập dân tộc và biến “Mùi cỏ cháy” thành khúc tráng ca khiến người xem xúc động. Và, “Mùi cỏ cháy” giành Giải thưởng Bông sen Bạc tại LHP Việt Nam lần thứ XVII (2011) và giành Giải Cánh diều Vàng - Phim điện ảnh xuất sắc nhất tại Lễ trao giải Cánh diều 2011.
Năm 2016, Hữu Mười bắt tay vào thực hiện bộ phim “Trên đỉnh bình yên” nói về việc bảo tồn văn hóa Chăm. Với anh, đây là thử thách khó khăn khi phải tiếp cận với một nền văn hóa khá xa lạ với mình. Thế rồi anh đã mày mò tìm hiểu văn hóa người Chăm, đầu tư xây dựng một ngôi nhà theo đúng kết cấu, kiểu dáng của nhà Chăm cổ để làm bối cảnh quay phim... Kết quả là “Trên đỉnh bình yên” đã chuyển tải rất thành công những nét văn hóa Chăm với thánh địa Mỹ Sơn, Tháp Po Nagar ở Nha Trang, Tháp Po Rame ở Ninh Thuận...
3. Sau 40 năm gắn bó với nghệ thuật, nhận danh hiệu NSƯT, Hữu Mười hiện đã nghỉ hưu. Ngoài đời, anh sống giản dị, khiêm nhường và thường hay gặp gỡ những người bạn cùng lớp diễn viên khóa II năm xưa để ôn lại kỷ niệm về những tháng ngày rong ruổi cùng đoàn làm phim với tất cả sự say mê nhiệt tình của tuổi trẻ và tình yêu cháy bỏng với nghề mà không tính toán thiệt hơn. Cuộc sống thiếu thốn, lại nay đây mai đó cùng đoàn phim nhưng ai cũng hăng hái hết lòng với nghề.
Có lẽ đó là lý do để Hữu Mười và các đồng nghiệp, bạn bè cùng lớp của anh như Minh Châu, Thanh Quý, Bùi Bài Bình, Phương Thanh... trở thành những ngôi sao của điện ảnh Việt những năm 1980 và vẫn là những cái tên được công chúng yêu quý cho đến ngày hôm nay.
NSƯT Hữu Mười tên đầy đủ là Nguyễn Hữu Mười, sinh ngày 9-9-1957 tại huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Năm 1974, anh thi đỗ lớp Diễn viên điện ảnh khóa II. Năm 1977, anh tốt nghiệp và trở thành diễn viên biên chế của Hãng phim truyện Việt Nam. Trong khoảng thời gian từ năm 1987 - 1994, anh theo học ngành đạo diễn điện ảnh tại VGIK sau đó về nước làm đạo diễn tại Hãng phim truyện Việt Nam. Năm 2003, NSƯT Hữu Mười chuyển công tác về Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, đảm nhiệm chức vụ Trưởng khoa Truyền hình cho đến khi nghỉ hưu.
Ngoài các phim điện ảnh “Chiếc hộp gia bảo”, “Mùi cỏ cháy”, “Trên đỉnh bình yên”, Hữu Mười còn là đạo diễn một số phim truyền hình như “Trở lại chùa Dâu”, “Nhịp sống”, “Xóm bờ sông”, “Những kẻ lãng mạn”, “Cuộc phiêu lưu không định trước”...