Doanh nghiệp

Thương mại điện tử tăng trưởng mạnh:Doanh nghiệp trong nước cần nỗ lực để thu hút khách hàng

Thanh Hiền 14/04/2024 - 06:58

Sự phát triển của thương mại điện tử đã, đang mang lại rất nhiều tiện ích cho người tiêu dùng Việt Nam.

Từ các khảo sát gần đây cho thấy, có 81% người Việt Nam khi được hỏi cho biết, họ xem việc mua sắm trực tuyến là một thói quen không thể thiếu mỗi ngày. Đặc biệt, người tiêu dùng ở Việt Nam đang dành nhiều ưu ái cho các thương hiệu nội địa khi 52% người được hỏi cho biết họ ưa thích lựa chọn những thương hiệu Việt. Tuy nhiên, để đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, các doanh nghiệp trong nước cần phải nỗ lực hơn nữa.

ban-hang.jpg
Nhiều sản phẩm được doanh nghiệp livestream ở Ngày hội người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tổ chức tại huyện Hoài Đức, tháng 3-2024. Ảnh: Diễm Hằng

Mua sắm trực tuyến ngày càng được ưa chuộng

Theo khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, có 85% người tiêu dùng được hỏi cho biết họ đang chi tiêu nhiều hơn cho việc mua hàng trực tuyến; 66% người tiêu dùng luôn tìm kiếm những ưu đãi tốt nhất khi mua sắm để tiết kiệm chi phí sinh hoạt cho gia đình; số còn lại sẵn sàng mua các mặt hàng bất kể có giảm giá hay không trong lần mua hàng trực tuyến gần đây nhất.

Đặc biệt, 52%người tiêu dùng được hỏi cho biết, họ ưa thích lựa chọn những thương hiệu Việt. Đây là xu hướng chủ đạo của người tiêu dùng Việt Nam trong mua sắm trực tuyến và đặc biệt hình thành rõ rệt sau đại dịch Covid-19.

Bên cạnh gia tăng mua sắm trực tuyến các mặt hàng nội địa, những nghiên cứu của Tập đoàn Dịch vụ thẻ thanh toán đa quốc gia của Mỹ (Visa) cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng tự tin mua sắm trực tuyến hơn, chi tiêu quốc tế nhiều hơn cũng như ưa chuộng thanh toán không tiếp xúc.

Theo dữ liệu thống kê của Bộ Công Thương, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử bình quân 16-30% một năm. Năm 2023, bán lẻ qua thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng đột phá về doanh thu. Cụ thể, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ tăng thêm khoảng 4 tỷ USD (tăng 25%) so với năm 2022, đạt 20,5 tỷ USD.

Số liệu nghiên cứu của Google, Temasek & Bain cũng cho thấy, kinh tế số của Việt Nam tăng ở mức hơn 20% trong hai năm qua, cao nhất Đông Nam Á. Quy mô kinh tế số dự kiến đạt 30 tỷ USD năm 2024 và sẽ tăng lên 45 tỷ USD vào năm 2025. Trong đó, riêng thương mại điện tử có thể đạt 24 tỷ USD vào năm 2025 và tăng lên 60 tỷ USD vào năm 2030.

Với đà tăng mạnh mẽ này, theo Bộ Công Thương, hiện tại là thời điểm ngành thương mại điện tử xây dựng mô hình, chiến lược phát triển mới để giúp doanh nghiệp hồi phục và mở rộng thị trường. Để giữ chân người dùng, doanh nghiệp cần mang lại nhiều trải nghiệm hơn, gồm gia tăng giá trị sản phẩm và dịch vụ bền vững.

Sáng tạo hơn trong thiết kế và sản xuất sản phẩm

Trong những năm qua, Hà Nội là một trong những địa phương đứng đầu về chỉ số phát triển thương mại điện tử. Thực tiễn cho thấy, thương mại điện tử đã góp phần kích cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân Thủ đô, được doanh nghiệp và người dân ứng dụng ngày càng rộng rãi.

Hằng năm, UBND thành phố Hà Nội kết hợp với Cục Thương mại điện tử và Kỹ thuật số (Bộ Công Thương), Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) quốc gia tổ chức hội nghị tập huấn về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử cho lực lượng chức năng thuộc Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội.

Hà Nội cũng đề ra nhiều mục tiêu đối với thương mại điện tử trên địa bàn, như: Tăng doanh số, tăng số lượng người dùng và các giao dịch trực tuyến… Cùng với đó là các giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm, như: Chú trọng xây dựng chính sách quản lý, phát triển hoạt động thương mại điện tử; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng mã QR trong truy xuất thông tin trực tuyến, nhận biết sản phẩm chính hãng, thanh toán trực tuyến, khuyến mại trực tuyến, kê khai thuế điện tử; tập trung phát triển logistics phục vụ hoạt động thương mại điện tử kết nối chuỗi cung ứng thương mại điện tử với doanh nghiệp sản xuất để tối ưu hóa chi phí và thời gian đưa hàng hóa ra thị trường…

Tuy nhiên, giữa bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, việc các doanh nghiệp phát triển sản phẩm trên sàn thương mại điện tử cũng gặp nhiều thách thức không nhỏ.

Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, thương mại điện tử còn gặp thách thức trong việc nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc hiểu được tầm quan trọng và cách thức triển khai. Ngoài ra, để những người mua sắm lớn tuổi tìm đến các sản phẩm trên sàn thương mại điện tử cũng là những khó khăn đối với doanh nghiệp.

Nhằm thúc đẩy và tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp trong việc tiếp cận thương mại điện tử, bà Trần Thị Phương Lan cho rằng, doanh nghiệp cần quan tâm đầu tư sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu, giá cả cạnh tranh. Đồng thời, cần đầu tư một cách bài bản, xây dựng hệ thống kênh bán hàng chuyên nghiệp và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Đồng quan điểm, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội Nguyễn Ánh Dương cũng đưa ra những khuyến nghị đến doanh nghiệp, đó là nên sáng tạo hơn trong việc thiết kế và sản xuất sản phẩm, các sản phẩm được đầu tư về chất lượng và mang tính đặc trưng của từng doanh nghiệp. Việc xây dựng hình ảnh sản phẩm bằng những hình thức độc đáo là một ý tưởng giúp doanh nghiệp thu hút người tiêu dùng trên các sàn thương mại điện tử.