Triển khai Chỉ thị số 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy:Thước đo đánh giá cán bộ
Sau hơn 8 tháng triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU (ngày 7-8-2023) của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”, nhiều địa phương, đơn vị đã có những cách làm sáng tạo, hiệu quả.
Đặc biệt, việc triển khai chỉ thị được gắn với giải quyết việc khó, việc mới của địa phương, đơn vị, là thước đo đánh giá năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Những cách làm hiệu quả, sáng tạo
Tại hội nghị giao ban công tác tổ chức xây dựng Đảng quý I-2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II-2024 với các quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc do Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 5-4 vừa qua, một trong những chủ đề được các địa phương thảo luận sôi nổi chính là việc đưa Chỉ thị số 24-CT/TU vào cuộc sống.
Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Hồng Nhật, những tháng đầu năm 2024, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tổ chức xây dựng Đảng thành phố là tham mưu với cấp ủy cùng cấp tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 24-CT/TU và Kế hoạch số 171-KH/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về triển khai chỉ thị quan trọng này. Ban Tổ chức các quận, huyện, thị ủy đã tích cực tham mưu cấp ủy chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc các nội dung trong chỉ thị. Qua đó, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc đã có chuyển biến tích cực; nhiều vụ việc phức tạp, tồn tại kéo dài nhiều năm đã được giải quyết, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định tình hình ở địa phương, đơn vị.
Chia sẻ những kinh nghiệm trong việc triển khai Chỉ thị số 24-CT/TU tại địa phương, Trưởng ban Tổ chức Quận ủy Long Biên Vũ Thị Thân cho biết, ngay sau khi Ban Thường vụ Thành ủy ban hành chỉ thị, lãnh đạo quận Long Biên xác định, những vấn đề đặt ra tại chỉ thị đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Từ đó đặt ra yêu cầu, Đảng bộ quận phải triển khai thực hiện chỉ thị đạt hiệu quả.
Triển khai nhiệm vụ, Ban Tổ chức Quận ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Quận ủy tổ chức học tập chuyên đề về Chỉ thị số 24-CT/TU để lan tỏa sâu rộng nội dung, yêu cầu và tiến hành nhận diện 25 biểu hiện vi phạm kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội theo gợi ý. Đối tượng học tập, nghiên cứu sâu về chỉ thị là toàn bộ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý. Sau hội nghị quán triệt, mỗi cán bộ, đảng viên phải liên hệ với chức trách, nhiệm vụ được giao của cá nhân để viết bài thu hoạch.
Ban Tổ chức Quận ủy cũng tham mưu đề xuất 90 đối tượng cần nhận diện thường xuyên và Ban Thường vụ Quận ủy cho ý kiến là những cán bộ có nhiệm vụ chuyên môn thường xuyên tiếp xúc nhân dân và cán bộ cấp phường.
Đáng chú ý, quận Long Biên cũng cụ thể hóa 25 biểu hiện nhận diện vi phạm kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội tại Chỉ thị số 24-CT/TU thành 41 biểu hiện nhận diện vi phạm đối với cán bộ lãnh đạo quản lý và 38 biểu hiện nhận diện vi phạm đối với công chức để có thể đánh giá một cách công tâm, khách quan, tránh cảm tính. Trên cơ sở đó, cán bộ quản lý phải xây dựng kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện và kết quả thực hiện là một kênh thông tin quan trọng đánh giá cán bộ.
Tại huyện Ứng Hòa, Huyện ủy đã tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7-8-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, người lao động tham gia. Kết thúc vòng thi đầu tiên (thi trực tuyến từ ngày 13-11 đến 10-12-2023), Ban tổ chức đã lựa chọn 16 thí sinh xuất sắc nhất dự thi trực tiếp (vào ngày 29-2-2024) bằng hình thức sân khấu hóa rất hấp dẫn, dễ hiểu, dễ nhớ, tạo sức lan tỏa cao trong thí sinh và khán giả tham dự.
Với cách làm sáng tạo, huyện Ứng Hòa đã đưa Chỉ thị số 24-CT/TU đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, có tác động sâu rộng đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Ứng Hòa Ngô Văn Giang cho biết, thước đo hiệu quả thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU chính là kết quả cải cách hành chính của huyện Ứng Hòa đã từ vị trí 30 của thành phố vào cuối năm 2022 vươn lên vị trí thứ 19 vào cuối năm 2023. Trong lĩnh vực giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, huyện đã gắn với trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân. Kết quả, năm 2023, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn này của huyện đạt 96%. Đáng chú ý, việc triển khai chỉ thị cũng đã giúp nhận diện rõ những dấu hiệu vi phạm trong công tác giải phóng mặt bằng, qua đó, huyện đã đình chỉ 1 chủ tịch UBND xã có vi phạm.
Đề cao kỷ cương, kỷ luật đi kèm biểu dương, khen thưởng
Theo đánh giá của các địa phương trên địa bàn thành phố, Chỉ thị số 24-CT/TU tuy mới triển khai được hơn 8 tháng, song đã tạo ra những chuyển biến rõ nét về ý thức, trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý.
Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, qua kiểm tra về công tác tổ chức xây dựng Đảng tại các quận, huyện, thị ủy, nhiều địa phương đã có những cách làm bài bản, sáng tạo trong việc triển khai Chỉ thị số 24-CT/TU gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Kết quả này đã khẳng định sức lan tỏa sâu rộng của chỉ thị trong toàn Đảng bộ thành phố.
Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Ứng Hòa Ngô Văn Giang thông tin, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 24-CT/TU, Huyện ủy Ứng Hòa đề cao kỷ cương, kỷ luật, đồng thời biểu dương, khen thưởng kịp thời những thành tích của các tập thể, cá nhân. Ngày thứ hai hằng tuần, ngay sau nghi lễ chào cờ, Thường trực Huyện ủy đánh giá việc triển khai nhiệm vụ chuyên môn của từng ban, ngành, đoàn thể và khen thưởng công khai đơn vị làm tốt để khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, sẵn sàng vì lợi ích chung. Việc “khen - chê” rõ ràng là động lực cho các đơn vị nỗ lực, sáng tạo triển khai Chỉ thị số 24-CT/TU trong thực tiễn.
Còn Trưởng ban Tổ chức Quận ủy Long Biên Vũ Thị Thân cho rằng, yêu cầu cán bộ quản lý phải xây dựng kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện và kết quả đạt được là một kênh thông tin quan trọng đánh giá cán bộ chính là động lực quan trọng để thôi thúc mỗi cán bộ, đảng viên luôn vận động, sáng tạo, khắc phục hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra, từ đó hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao.
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, tiêu đề “tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố” tại Chỉ thị số 24-CT/TU đã đặt nội dung “kỷ cương” lên đầu tiên, tiếp đó là “kỷ luật”, “trách nhiệm”. Đây chính là sự tăng dần mức độ, yêu cầu trong công tác quản lý hành chính và thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở.
Trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của tập thể, cá nhân cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị thành phố về vị trí, vai trò và trách nhiệm chấp hành kỷ cương, kỷ luật công vụ về việc thực hiện nhiệm vụ được phân công; tuyệt đối không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; không ngừng nâng cao tinh thần, thái độ, ý thức trách nhiệm, hiệu quả đối với công việc được giao; thường xuyên “tự soi, tự sửa”, liên hệ bản thân với 25 biểu hiện nhận diện vi phạm kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội tại Chỉ thị số 24-CT/TU; 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tại Nghị quyết số 04-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) để kịp thời có giải pháp khắc phục…
Có thể thấy, Chỉ thị số 24-CT/TU đã, đang lan tỏa sâu rộng trong hệ thống chính trị thành phố, từ đó khơi lên khát vọng cống hiến của đội ngũ cán bộ, đảng viên và người lao động để xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.