Nông nghiệp Hà Nội linh hoạt chuyển đổi theo nhu cầu thị trường
Quý I-2024, ngành Nông nghiệp Hà Nội tăng trưởng 3,76%, cao hơn 1,62% so với cùng kỳ năm 2023 (ngành Nông nghiệp cả nước chỉ tăng 2,98%). Đây là mức tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu và biến động trên thị trường.
Nhờ sự chủ động, linh hoạt chuyển đổi sản xuất theo nhu cầu thị trường, ngành Nông nghiệp Hà Nội kỳ vọng duy trì đà tăng trưởng, tạo những đột phá ở các quý tiếp theo.
Kết quả của tái cơ cấu
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho rằng, mức tăng trưởng trong quý I-2024 là kết quả của quá trình tái cơ cấu của ngành trong nhiều năm qua; đồng thời thể hiện hướng đi đúng, linh hoạt trong chuyển đổi sản xuất lẫn công nghệ và thị trường. Sản xuất nông nghiệp luôn bám sát thị trường, linh hoạt điều chỉnh, bắt nhịp với xu hướng phát triển, nên giá trị ngày một tăng cao.
Điển hình rõ nhất, hoạt động chăn nuôi ghi nhận đàn lợn tăng 1,7%, đàn gia cầm tăng 1,2%, sản lượng thủy sản tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thủy sản và thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng, ngành chăn nuôi tăng trưởng mạnh bởi nhiều nguyên nhân. Hà Nội đã tạo lập được hệ thống văn bản quy định trong hoạt động chăn nuôi khá đầy đủ, tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý. Đặc biệt, việc tái đàn sau Tết Giáp Thìn diễn ra thuận lợi, các địa phương, hộ sản xuất đã chủ động nguồn giống, bảo đảm đàn vật nuôi; chủ động trong phòng, chống dịch, kiểm soát dịch bệnh.
Đáng chú ý, thời gian qua, các địa phương đã thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 275/KH-UBND ngày 25-10-2022 về hành động thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn 2045 trên địa bàn thành phố, định hướng rõ về vùng sản xuất, quy mô, con giống, công nghệ và bảo vệ môi trường. Từ đó, chăn nuôi Hà Nội có sự khởi sắc, chuyển dịch mạnh mẽ.
Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Ba Vì Trần Đình Thành thông tin, sản phẩm gà đồi Ba Vì đã có tem nhãn nhận diện nguồn gốc xuất xứ, tem kiểm soát giết mổ. Do đó, khi giá gà trên thị trường xuống thấp, gà đồi Ba Vì vẫn bán được ở mức 90.000-110.000 đồng/kg.
Chủ động ứng phó biến động
Tăng trưởng của quý I-2024 là đòn bảy, tạo đà cho ngành Nông nghiệp phát triển mạnh mẽ ở các quý tiếp theo. Tuy nhiên, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại nhận định, ngành Nông nghiệp còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về biến đổi khí hậu, biến động thị trường. Mặt khác, diện tích sản xuất ngày càng bị thu hẹp do tốc độ đô thị hóa nhanh cũng ảnh hưởng đến phát triển sản xuất nông nghiệp của Hà Nội.
Theo các chuyên gia, để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 2,5 đến 3%, từ nay đến cuối năm 2024, ngành Nông nghiệp Thủ đô cần chủ động, linh hoạt ứng phó với mọi diễn biến về khí hậu, thị trường và thường xuyên nghiên cứu, phân tích thị trường, từ đó định hướng sản xuất bám sát nhu cầu của thị trường…
Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, từ nay đến cuối năm, căn cứ vào thực tế thị trường và diễn biến thời tiết, dịch bệnh, ngành Nông nghiệp Thủ đô chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng công nghiệp, phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; hình thành các vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sạch, hữu cơ đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP...
Cùng với định hướng của ngành, nhiều địa phương cũng chủ động đề ra các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp. Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, Sở sẽ phối hợp các sở, ngành liên quan và các địa phương của thành phố xây dựng hệ thống công nghệ trong theo dõi sản xuất và ký kết trên các sàn thương mại điện tử. Cùng với đó, Sở cùng các địa phương tổ chức tập huấn kiến thức về công nghệ thông tin cho nông dân, người sản xuất để có thể chủ động truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng như đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử…
Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Hoàng Hải Đăng:
Chuyển dịch cơ cấu gắn với phát triển
Trong những tháng đầu năm 2024, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Đông Anh cơ bản ổn định. Chăn nuôi, thủy sản vẫn là hai ngành chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nông nghiệp của huyện. Sau khi tăng mạnh sản lượng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, hiện người chăn nuôi đang tích cực tu sửa, vệ sinh chuồng trại, chuẩn bị tái đàn. Đối với thủy sản, hầu hết các trại nuôi thủy sản đang chuyển đổi sang mô hình công nghệ cao nên năng suất, hiệu quả kinh tế đều đạt cao.
Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp địa phương, huyện tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo Đề án “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện Đông Anh trong quá trình đô thị hóa giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”; chủ động rà soát, cập nhật thông tin toàn bộ trang trại trên địa bàn huyện để lập dữ liệu, hồ sơ quản lý, khai thác nhằm tạo nguồn lực kinh tế.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng:
Sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn
Trong quý I-2024, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Thanh Trì đạt 137,226 tỷ đồng. Đặc biệt, huyện đã chỉ đạo các xã trồng 570ha rau màu các loại, trong đó có 109,4ha rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, đúng khung thời vụ; duy trì các mô hình nhóm hộ liên kết chuỗi, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm;…
Từ nay đến cuối năm 2024, Thanh Trì tiếp tục đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao và kỹ thuật sản xuất tiên tiến, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao; ưu tiên phát triển sản xuất và chế biến nông sản theo chuỗi liên kết để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản, thuận lợi cho quá trình truy xuất nguồn gốc.
Ngoài ra, huyện đẩy mạnh cơ giới hóa, củng cố, phát triển các vùng sản xuất tập trung theo quy hoạch; chú trọng xây dựng, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp, thủy sản tại các xã có lợi thế, như: Yên Mỹ, Duyên Hà, Đại Áng…
Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai) Nguyễn Đình Tường:
Để tăng trưởng bền vững phải sản xuất an toàn
Với định hướng chăn nuôi phải bảo đảm hài hòa các yếu tố chất lượng, môi trường và giá trị kinh tế, ngay từ năm 2014, Hợp tác xã chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm đã triển khai mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học. Mặc dù chi phí sản xuất cao hơn 20% so với phương pháp truyền thống, nhưng nuôi lợn an toàn sinh học ít xảy ra dịch bệnh và giá bán cao hơn. Hợp tác xã thường xuyên duy trì khoảng 200 con lợn thương phẩm và xây dựng thành công thương hiệu “Thịt lợn sinh học Quốc Oai”. Đặc biệt, Hợp tác xã có 3 sản phẩm: Thịt lợn sinh học, giò lợn sinh học và xúc xích lợn sinh học được công nhận đạt chuẩn 4 sao OCOP. Thời gian tới, Hợp tác xã tiếp tục đẩy mạnh chăn nuôi lợn sạch sinh học, tạo sản phẩm bảo đảm an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng, hướng tới nền sản xuất bền vững, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Huyền - Dung ghi