Hạ hàng rào Công viên Thống Nhất: Tiếp tục "mở" các công viên, vườn hoa
Đời sống - Ngày đăng : 15:09, 23/12/2022
Việc chuyển công viên Thống Nhất từ công viên "đóng" sang "mở" không chỉ xóa bỏ rào cản, giúp người dân dễ dàng tiếp cận với không gian công cộng; mà còn góp phần phát huy giá trị đích thực của không gian xanh, nâng chất lượng sống của người dân. Không chỉ dừng lại ở công viên Thống Nhất, Hà Nội dự tính tiếp tục "mở" các công viên, vườn hoa...
Tạo không gian mở
Công viên Thống Nhất nằm trong phạm vi của 4 tuyến phố: Đại Cồ Việt, Lê Duẩn, Trần Nhân Tông, Nguyễn Đình Chiểu bao quanh. Trong đó, hệ thống hàng rào công viên được đầu tư xây dựng cải tạo qua nhiều thời kỳ với tổng chiều dài hiện trạng khoảng 2.162 mét và 7 vị trí cổng ra - vào công viên.
Lâu nay, việc thu phí vào cửa công viên được thực hiện theo quy định của UBND thành phố với mức thu 4.000 đồng/lượt/người lớn và 2.000 đồng/lượt/trẻ em. Mặc dù số tiền không nhiều, nhưng theo ông Phạm Cao Phương (phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng), đây vẫn là một rào cản nhất định với nhiều người dân khi muốn tiếp cận, ra vào vui chơi tại không gian công cộng này. Không chỉ vậy, việc công viên thực hiện thu phí với người ra vào vui chơi, nhưng lại miễn phí với những người ra vào tập thể dục cũng là bất cập lâu nay.
Đáng nói là, theo thống kê của Sở Xây dựng, doanh thu từ việc bán vé vào công viên hằng năm (bình quân khoảng 700 triệu đồng) cũng không đủ để chi trả lương cho nhân viên bán vé (khoảng 1,3 tỷ đồng/năm/22 nhân viên gác tại 7 cổng ra vào, tương đương khoảng 4,96 triệu đồng/người/tháng). Vì vậy, đề xuất dừng thực hiện bán vé vào công viên Thống Nhất (từ ngày 1-1-2023) và thực hiện hạ hàng rào công viên để kết nối với tuyến phố đi bộ Trần Nhân Tông sắp được UBND quận Hai Bà Trưng tổ chức tới đây đã nhận được sự đồng tình của đông đảo dư luận.
Chị Nguyễn Thu Hiền (phố Trần Bình Trọng, quận Hoàn Kiếm) bày tỏ: Tôi rất vui khi hạ rào công viên Thống Nhất. Điều này giúp người dân thoải mái ra vào công viên vui chơi, tập thể dục; thụ hưởng không gian công cộng vốn lâu nay rất thiếu tại khu vực đô thị.
Còn PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) chia sẻ: Công viên, cây xanh có vai trò rất quan trọng trong các đô thị, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Công viên cây xanh cũng là một trong các phúc lợi công cộng, an sinh xã hội. Đây là khu vực cần phải được mở để đại đa số người dân đều được hưởng thụ không gian công cộng bình đẳng. Vì vậy, các nhà chuyên môn như chúng tôi cho rằng, Hà Nội thực hiện mở công viên Thống Nhất là việc nên làm lâu rồi, nhưng bây giờ mới làm coi như cũng không quá muộn và cần thiết tiếp tục làm mở rộng thêm các công viên.
Tiếp tục mở rộng
Theo KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, bản chất công viên là không gian công cộng để mọi người đều có thể tiếp cận. Tại các nước trên thế giới, ngoại trừ những công viên mang tính chuyên đề (nuôi thú) hay các công viên mang tính chất di sản, cần phải bảo tồn có quy định khắt khe trong việc bảo vệ, quản lý không gian; còn hầu hết hệ thống công viên là không gian mở, không có tường rào.
Tại Việt Nam, hàng rào đối với các công trình nói chung, công viên, vườn hoa nói riêng lâu nay không chỉ là phân định địa phận, ranh giới, mà còn là giải pháp kỹ thuật hữu hiệu trong công tác bảo vệ phạm vi công trình, chống lấn chiếm đất, bảo vệ an ninh trật tự bên trong công trình. Vì vậy, với việc mở hàng rào công viên Thống Nhất, đã có những băn khoăn nhất định trong việc bảo đảm an ninh, an toàn, tổ chức hoạt động cho các khu vực không gian cộng mở như vậy.
"Để bảo đảm an ninh, an toàn khi "mở" công viên, tôi cho rằng cần có những giải pháp như: Tăng cường kiểm tra giám sát; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục. Bên cạnh đó, cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng các công viên, vườn hoa, phục vụ người dân đến vui chơi, thụ hưởng phúc lợi xã hội", PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến nêu ý kiến.
Tại Hà Nội, theo thống kê, hiện trên địa bàn thành phố có 63 công viên, vườn hoa. Trong đó, theo Sở Xây dựng Hà Nội, phần nhiều là các công viên, vườn hoa có hàng rào thấp; còn công viên có hàng rào cao không nhiều: Cầu Giấy, Nghĩa Đô, Bách Thảo, Thủ Lệ, Hòa Bình... Ngoài công viên Thống Nhất bán vé vào, còn có công viên Bách Thảo (vé vào cổng cũng áp dụng 4.000 đồng/lượt/người lớn; 2.000 đồng/lượt/trẻ em).
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về chủ trương của thành phố có tiếp tục "mở rào", tạo lập không gian mở cho các công viên còn lại hay không, Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Lê Văn Du cho hay: Cùng với công viên Thống Nhất, Sở Xây dựng cũng đang đề xuất UBND thành phố dừng thực hiện bán vé vào công viên Bách Thảo từ năm 2023.
Thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021- 2025"; Kế hoạch 332/KH-UBND của UBND thành phố về cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021- 2025, các quận, huyện cũng đang lên phương án, thực hiện cải tạo, nâng cấp công viên theo phân cấp. Trong quá trình thực hiện, các quận, huyện sẽ có các giải pháp kỹ thuật để bảo đảm đồng bộ, tạo hài hòa cảnh quan giữa khu vực trong và ngoài công viên, vườn hoa.
Với công viên Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Sở Xây dựng cũng đang đề nghị UBND quận Cầu Giấy trong quá trình cải tạo, chỉnh trang thực hiện phương án điều chỉnh hạ thấp hàng rào.
"Hàng rào là để bảo đảm ranh giới công viên. Việc tiếp cận công viên vẫn phải đi ra - vào theo các lối tổ chức giao thông của công viên, chứ không phải đi vào từ bất kỳ chỗ nào cũng được. Tuy nhiên, với giải pháp kỹ thuật (hạ thấp hàng rào) khi thực hiện cải tạo, chỉnh trang các công viên, vườn hoa tới đây sẽ tạo không gian mở, không còn cảm giác ngăn cách giữa khu vực bên trong và ngoài công viên", ông Lê Văn Du nói.