Nông thôn mới

Hà Nội: Trao Bằng công nhận 15 làng nghề, làng nghề truyền thống

Nguyễn Mai 12/04/2024 - 14:40

Sáng 12-4, Sở NN&PTNT Hà Nội công bố Quyết định, trao Bằng công nhận danh hiệu làng nghề, làng nghề truyền thống và cấp chứng nhận sản phẩm OCOP cấp thành phố năm 2023.

lang-nghe-3.jpg
Trao Bằng công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống cho các địa phương. Ảnh: Nguyễn Mai

Theo đó, năm 2023, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã công nhận 15 làng nghề, làng nghề truyền thống, đưa tổng số làng nghề của Hà Nội được công nhận đến nay là 327 làng nghề, làng nghề truyền thống.

Thành phố cũng chứng nhận 544 sản phẩm OCOP, vượt kế hoạch năm 2023 (kế hoạch giao 400 sản phẩm), đưa tổng số đến nay, Hà Nội có 2.711 sản phẩm, trở thành điểm sáng và đi đầu của cả nước trong phát triển Chương trình OCOP.

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Xuân Đại cho biết, Hà Nội xác định phát triển ngành nghề nông thôn, thực hiện Chương trình OCOP là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa rất lớn nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững.

lang-nghe-2(1).jpg
Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam ký kết biên bản hợp tác. Ảnh: Nguyễn Mai

Thời gian tới, Sở NN&PTNT tiếp tục rà soát các văn bản về cơ chế, chính sách liên quan đến bảo tồn, phát triển làng nghề; kịp thời điều chỉnh, bổ sung và thống nhất triển khai trên địa bàn thành phố nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và phát triển nghề, làng nghề; hướng dẫn các địa phương rà soát xây dựng hồ sơ đề nghị xét công nhận danh hiệu “Làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống” Hà Nội, góp phần đưa Chương trình 04 của Thành ủy về đích trước một năm so với mục tiêu năm 2024…

Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đề nghị các địa phương triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn bảo đảm đúng quy định; phấn đấu thực hiện Chương trình OCOP hoàn thành mục tiêu trước một năm so với kế hoạch... Các làng nghề, làng nghề truyền thống đã được UBND thành phố công nhận tăng cường công tác đào tạo nghề theo hình thức truyền nghề, nhân cấy nghề, khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia đào tạo nghề, truyền nghề, chú trọng các nghề truyền thống, cổ truyền; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề trong nước và quốc tế.

Đối với các chủ thể có sản phẩm được chứng nhận OCOP, tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả theo hướng liên kết phát triển sản phẩm bền vững theo chuỗi, đầu tư nâng cấp mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Tại buổi lễ, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội ký hợp tác ghi nhớ về kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP và sản phẩm làng nghề, nông sản, thực phẩm thành phố Hà Nội với Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam.

anh-lang-nghe-1.jpg
Sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP Hà Nội được giới thiệu, quảng bá đến người tiêu dùng. Ảnh: Nguyễn Mai.

Trong số 15 làng nghề được công nhận danh hiệu, có 4 làng được công nhận “Làng nghề Hà Nội”, gồm: Làng nghề chế biến nông sản thôn Thuận Quang (xã Dương Xá, huyện Gia Lâm); Làng nghề mây tre đan thôn 3 (xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì); Làng nghề mộc Triệu Xuyên (xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ); Làng nghề cắt may Làng Táo (xã Tam Thuấn, huyện Phúc Thọ).

11 làng được phong tặng danh hiệu “Làng nghề truyền thống Hà Nội”, gồm: Làng nghề trồng đào, cây cảnh thôn Đông Thai (xã Vân Tảo, huyện Thường Tín); Làng nghề khảm trai thôn Trung, Làng nghề khảm trai thôn Ngọ, Làng nghề chế biến nguyên liệu khảm và khảm ốc trai thôn Thượng, Làng nghề khảm trai thôn Hạ, Làng nghề sản xuất khảm trai - sơn mài thôn Bối Khê, Làng nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ - khảm trai thôn Đồng Vinh, Làng nghề sơn khảm thôn Mỹ Văn (cùng ở xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên); Làng nghề cỏ tế mây tre đan thôn Lưu Thượng (xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên); Làng nghề mộc dân dụng thôn Chanh Thôn (xã Nam Tiến, huyện Phú Xuyên); Làng nghề bánh cuốn Thanh Trì (phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai).