Hungary tiếp tục áp đặt hạn chế với nông sản Ukraine
Các hạn chế mới đối với sản phẩm nông nghiệp của Ukraine nhằm bảo vệ nông dân Hungary trước những biến động của thị trường gây ra bởi nông sản giá rẻ từ Ukraine.
Tại họp báo ngày 11-4 (giờ địa phương), Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine Istvan Nagy cho rằng, quyết định năm 2022 của Liên minh châu Âu (EU) về cho phép miễn thuế nhập khẩu nông sản từ Ukraine nhằm giúp duy trì nền kinh tế quốc gia này đã dẫn đến “tình trạng dư nguồn cung nghiêm trọng và giá thấp đáng kể” trên thị trường sản phẩm nông nghiệp châu Âu.
Đổ lỗi cho EU vì đã không bảo vệ nông dân châu Âu, những người không thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu rẻ hơn từ Ukriane, ông Istvan Nagy tuyên bố, Hungary sẽ thông qua các biện pháp bảo vệ bổ sung trong thẩm quyền quốc gia.
Theo đó, Chính phủ Hungary đã quyết định về kế hoạch 5 điểm nhằm hỗ trợ nông dân quốc gia này, trong đó bao gồm yêu cầu người bán và các công ty hậu cần báo cáo về các sản phẩm bị hạn chế nhập khẩu qua Ukraine bất kể quốc gia xuất xứ.
AP cho biết, Hungary có mối quan hệ căng thẳng với Ukraine và là một trong những quốc gia EU ít hỗ trợ Kiev nhất trong bối cảnh xung đột.
Ngay sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt hồi tháng 2-2022, Hungary tuyên bố sẽ không cung cấp vũ khí cho Ukraine hoặc cho phép vận chuyển mặt hàng này qua biên giới quốc gia ở phía Đông. Budapest cũng đưa ra lập luận chống lại các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga và đe dọa làm chệch hướng những hỗ trợ tài chính của EU đối với Kiev.
Năm 2023, Hungary đã áp lệnh cấm nhập khẩu 24 sản phẩm nông nghiệp của Ukraine nhưng tuyên bố cho phép quá cảnh. Lệnh cấm áp dụng đối với ngũ cốc, hạt có dầu, bột mì, dầu ăn và một số sản phẩm thịt. Tháng 3 vừa qua, Chính phủ Hungary đã loại bỏ mật ong tự nhiên của Ukraine khỏi danh sách cấm.
Cũng trong tháng 3, EU đã đạt thỏa thuận gia hạn tạm thời việc đình chỉ thuế nhập khẩu và hạn ngạch đối với hàng nông sản xuất khẩu của Ukraine sang khối. Tuy nhiên, thỏa thuận này đi kèm một biện pháp bảo vệ tăng cường sẽ buộc Ủy ban châu Âu (EC) áp dụng lại hạn ngạch thuế quan nếu nhập khẩu các mặt hàng chủ lực vượt khối lượng nhập khẩu trung bình năm 2022 và 2023.