Chính trị

Khẩn trương ban hành quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh

Theo TTXVN 12/04/2024 - 06:41

Ngày 11-4, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 4-2024 để thảo luận về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); phương án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023.

Dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương.

thu-tuong-chinh-phu-pham-mi.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 4 năm 2024. Ảnh: VGP

Tại phiên họp, sau khi nghe Tờ trình tóm tắt về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), phương án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 và báo cáo tiếp thu ý kiến thẩm định, các đại biểu thảo luận trao đổi về các vấn đề quan trọng, nhất là các nội dung còn có ý kiến khác nhau…

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao các bộ, cơ quan đã nỗ lực, tích cực chuẩn bị, trình các nội dung và nghiêm túc tiếp thu, giải trình cặn kẽ, có cơ sở; đánh giá cao ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sâu sát của các thành viên Chính phủ và các đại biểu; giao Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chỉ đạo, Bộ Tài chính tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn thiện các dự án, phương án theo quy định, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng.

Trong đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu rà soát, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện dự án luật nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả công tác quản lý thuế; bảo đảm thu đúng, thu đủ vào ngân sách nhà nước…

Cơ bản nhất trí với các ý kiến của đại biểu về phương án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện đúng Luật Ngân sách, song phải có trọng tâm, trọng điểm, hài hòa, hợp lý, công bằng, công khai, minh bạch; nhất là ưu tiên cho các lĩnh vực thực hiện mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra, trong đó có ưu tiên thực hiện đột phá về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông.

Về nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng thể chế thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, các bộ, cơ quan liên quan tích cực chuẩn bị phục vụ kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XV.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo khẩn trương soạn thảo, trình, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua. Theo đó, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình, ban hành các văn bản nợ ban hành quy định chi tiết các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2024; khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Nhà ở và Luật Bất động sản, trước ngày 15-5-2024.

Nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục đầu tư hơn nữa cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông mọi nguồn lực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo phát huy vai trò của người đứng đầu, các đồng chí lãnh đạo bộ, ngành, địa phương trực tiếp lãnh đạo công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; tập trung nguồn lực, có chế độ tuyển dụng, ưu đãi nhiều hơn đối với cán bộ, công chức làm công tác pháp chế, nhất là công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế...

Thủ tướng Chính phủ lưu ý, các bộ, ngành phải tăng cường năng lực phản ứng chính sách, kịp thời sửa đổi để tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc, bất cập, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, tiết giảm chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp ngay trong quá trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Thủ tướng nhấn mạnh, tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, cơ quan trong quá trình xây dựng, tiếp thu, hoàn thiện các dự án luật, pháp lệnh; thực hiện nghiêm quy chế làm việc của Chính phủ; lắng nghe ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, tiếp thu ý kiến doanh nghiệp, người dân, trên tinh thần 3 cùng (cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn, hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển). Đồng thời, tiếp tục tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tiếp thu những nội dung phù hợp với điều kiện nước ta; tăng cường truyền thông chính sách tạo sự đồng thuận và hiệu quả trong quá trình xây dựng, ban hành và thực thi pháp luật.