Cẩn trọng không thừa
Thời gian gần đây, nhiều phụ huynh đến các cơ quan chức năng khai báo là đã bị lừa mất tiền khi đăng ký cho con tham gia những khóa học kỹ năng, trại hè được mời chào trên mạng xã hội.
Chiêu trò lừa đảo là sử dụng hình ảnh của công an, quân đội, nhân viên hàng không để mạo danh cơ quan chức năng, đăng các nội dung như: “Phụ huynh liên hệ cho con em tham gia trại hè 2024 để có trải nghiệm, định hướng nghề nghiệp và nhận khuyến mãi hấp dẫn…” nhằm chiếm đoạt tài sản của những người đăng ký tham gia.
Mới đây, một phụ nữ tên H. ở thành phố Hà Nội đã “sập bẫy” lừa đảo khi tham gia đăng ký một khóa tu mùa hè được mời chào trên mạng xã hội. Cụ thể, khi nghiên cứu các khóa tu mùa hè cho con, chị H. có kết nối với tài khoản Facebook “Tu Sinh Mùa Hè” để đăng ký và yêu cầu mua vật phẩm phong thủy nhằm tăng tương tác cho công ty vật phẩm phong thủy, vì họ là nhà tài trợ chính cho khóa tu. Chỉ trong vòng 2 ngày, chị H. đã bị các đối tượng chiếm đoạt 2,8 tỷ đồng. Hay như việc Công an thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng) vừa qua cũng tiếp nhận đơn trình báo của chị N. về việc có lên mạng xã hội tìm hiểu và đăng ký cho con làm “Người mẫu ảnh nhí”. Chị N. khai báo đã chuyển 11 lần với số tiền hơn 300 triệu đồng vào tài khoản của các đối tượng nhưng không được hoàn lại…
Theo các chuyên gia giáo dục, sau một năm học vất vả, kỳ nghỉ hè chính là thời gian để các em giải phóng năng lượng, trang bị thêm những kỹ năng, kiến thức mới. Những kỹ năng này rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ trong tương lai. Tuy nhiên, các hình thức trại hè hiện nay rất đa dạng về cả nội dung và hình thức tổ chức, mức chi phí cho những khóa trải nghiệm này cũng khác nhau tùy theo uy tín của các đơn vị tổ chức cũng như thời lượng chương trình. Do vậy các phụ huynh cần cẩn trọng chọn nơi có uy tín, có năng lực thực sự và tư cách pháp nhân đầy đủ để “chọn mặt gửi vàng”.
Khi lựa chọn các trại hè, việc bảo đảm an toàn và chất lượng của trại hè là rất quan trọng. Phụ huynh cần tìm hiểu về chương trình, cơ sở vật chất, kinh nghiệm của giáo viên, cán bộ nhân viên và các quy định an toàn tại trại hè. Nếu có thể, phụ huynh cần đến thăm trại hè và trò chuyện với những người đã từng tham gia để có được thông tin chính xác, qua đó bảo đảm những khóa học, chương trình có chất lượng.
Các bậc phụ huynh cũng cần chọn các khóa học kỹ năng hay chương trình do những đơn vị có tư cách pháp nhân tổ chức, những tổ chức giáo dục đã hoạt động lâu dài ở Việt Nam, có uy tín, lựa chọn nội dung, chương trình của khóa học phù hợp, có tính giáo dục cao. Đồng thời, nên tham khảo đánh giá chất lượng từ các khóa trước.
Để tránh bị lừa đảo, phụ huynh nên tìm hiểu và đăng ký chương trình trại hè qua trang web và fanpage chính thức của đơn vị tổ chức. Mọi yêu cầu chuyển khoản vào tài khoản cá nhân hoặc thực hiện nhiệm vụ rồi mới được tham gia chương trình trại hè đều là dấu hiệu lừa đảo. Với các nội dung quảng cáo tương tự hãy điện thoại hoặc gặp trực tiếp. Trong đó, cần yêu cầu cơ quan, tổ chức cung cấp giấy tờ tài liệu chứng minh đây là tổ chức hợp pháp và được phép tổ chức các sự kiện trên. Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn chuyển tiền cho bất cứ ai và bất cứ lý do gì nếu chưa xác định chính xác người nhận tiền. Trong trường hợp xấu, nếu bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết. Dù vậy, quan trọng nhất vẫn là phụ huynh cần có sự cẩn trọng tối đa khi cho con tham gia những khóa học kỹ năng, trại hè...