Nghị viện EU thông qua gói cải cách về luật di cư
Các nhà lập pháp Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua một cuộc cải cách lớn về luật di cư của khối với hy vọng chấm dứt nhiều năm chia rẽ về cách quản lý tình trạng nhập cảnh trái phép.
Theo BusinessDay, Nghị viện châu Âu (EP) đã tán thành các điều khoản trong gói cải cách để tạo nên Hiệp ước về di cư và tị nạn. Những thay đổi này được cho là sẽ giải quyết các vấn đề nhức nhối của liên minh thời gian qua, đặc biệt là việc phân công trách nhiệm cho các nước thành viên đối với người di cư.
Gói cải cách nhằm mục đích cắt giảm thời gian thực hiện các thủ tục an ninh và tị nạn ở biên giới bên ngoài EU, đồng thời tăng số lượng người di cư trả về để giảm tình trạng nhập cư không mong muốn từ Trung Đông và châu Phi, một ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của khối.
Gói cải cách mới về di cư sẽ được 27 quốc gia thành viên EU thông qua vào cuối tháng 4, trước khi văn bản này có hiệu lực.
Chủ tịch EP Roberta Metsola, người thúc đẩy gói cải cách đã đăng trên nền tảng truyền thông xã hội X: “Lịch sử được tạo nên. Gói cải cách đã được xây dựng hơn 10 năm nhưng chúng tôi đã giữ đúng cam kết về sự cân bằng giữa đoàn kết và trách nhiệm. Đây là cách của châu Âu”.
Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser mô tả kết quả này là một thành công lớn và rất quan trọng.
“Sau nhiều năm đàm phán khó khăn, chúng tôi đã nhất trí về gói cải cách toàn diện này. Do đó, chúng tôi đã vượt qua được sự chia rẽ sâu sắc ở châu Âu. Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ những người chạy trốn khỏi các cuộc chiến tranh khủng khiếp, khủng bố, tra tấn và giết người. Nhưng trách nhiệm đối với người tị nạn sẽ được chia cho nhiều bên hơn trong tương lai”, bà Nancy nhấn mạnh.
Tuy nhiên, cũng có một số nghị sĩ không đồng tình với dự thảo hiệp ước mới. Nghị sĩ Thụy Điển Malin Bjork cho rằng, hiệp ước này “làm suy yếu quyền xin tị nạn của cá nhân ở châu Âu”.
Một số biện pháp gây tranh cãi, bao gồm việc lấy hình ảnh khuôn mặt và dấu vân tay của trẻ em từ 6 tuổi, mọi người có thể bị giam giữ trong quá trình sàng lọc. Việc trục xuất nhanh chóng có thể được áp dụng đối với những người không được phép ở lại…
Mặt khác, các quốc gia có thể có nghĩa vụ giúp đỡ các đối tác EU của mình bằng cách cung cấp nơi ở cho những người đủ điều kiện xin tị nạn. Nếu không thực hiện được điều đó thì phải trả chi phí cho họ ở nơi khác.
Gói cải cách này được đưa ra sau khi 1,3 triệu người, hầu hết là những người chạy trốn chiến tranh ở Syria và Iraq, tìm nơi ẩn náu ở châu Âu vào năm 2015. Hệ thống tị nạn của EU sụp đổ, các trung tâm tiếp nhận bị quá tải ở Hy Lạp, Italia. Nhiều quốc gia đã xây dựng các rào cản để ngăn chặn người di cư.