Giáo dục

Nâng chất lượng kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông

Thống Nhất 11/04/2024 - 06:41

Điểm mới trong mục tiêu của ngành Giáo dục Hà Nội năm nay là không chỉ tăng cường hỗ trợ học sinh yếu, kém nhằm "chống trượt" tốt nghiệp trung học phổ thông, mà còn quyết tâm nâng phổ điểm các môn, không để “vùng trũng” ở bất kỳ môn học nào. Việc này còn nhằm tạo nền chất lượng toàn diện, giúp học sinh có cơ hội trúng tuyển đại học ở tốp cao và rút ngắn dần khoảng cách về chất lượng dạy - học giữa các trường.

lop-hoc.jpg
Hướng dẫn học sinh lớp 12 ôn tập tại Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai). Ảnh: Đỗ Tâm

Nhận diện “vùng trũng”

Chỉ còn hơn hai tháng nữa, hơn 116.000 học sinh Hà Nội thi tốt nghiệp trung học phổ thông - kỳ thi cuối cùng theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2006. Mối lo không đỗ tốt nghiệp, phải thi lại cùng lứa học sinh theo học chương trình mới với nội dung mới, hình thức thi có thể thay đổi khiến nhiều học sinh lo lắng. Vì vậy, tìm giải pháp “chống trượt” được ngành Giáo dục Hà Nội đặc biệt lưu tâm. Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và ban giám hiệu các trường đã họp, đánh giá chất lượng kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023, nhận diện những “vùng trũng” ở từng trường. Toàn thành phố có 112 trường trung học phổ thông có tỷ lệ tốt nghiệp cao hơn năm học trước, nhưng kết quả này được cho là chưa thực sự bền vững nếu không tiếp tục có các giải pháp quyết liệt để duy trì.

Dù tỷ lệ tốt nghiệp đã có chuyển biến tốt, nhưng theo phân tích của các trường, kết quả thi ở từng môn có sự chênh lệch đáng kể. Điểm chung của các trường vùng nông thôn là thường có kết quả thi môn ngoại ngữ thấp. Một số trường nằm trong tốp đạt thứ hạng cao về nhiều môn thi nhưng vẫn có những môn tụt hạng, ảnh hưởng đến cơ hội tham gia xét tuyển đại học của học sinh ở nhiều tổ hợp môn. Thực tế kỳ thi năm trước còn có trường hợp học sinh có kết quả thi tổ hợp môn xét tuyển đại học rất cao nhưng đành lỡ ước mơ vào đại học do bị điểm liệt trong kỳ thi tốt nghiệp.

Nhìn toàn cảnh, điểm các môn thi đã được cải thiện, nhưng xét ở từng trường lại cho thấy nhiều vấn đề. Có trường điểm tuyển sinh đầu vào cao, tỷ lệ tốt nghiệp luôn đạt 100%, nhưng lại có kết quả thi ở một vài môn học thấp bất thường. Đơn cử, Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (quận Đống Đa) có điểm thi tốt nghiệp đứng thứ 29 của thành phố, nhưng kết quả thi môn vật lý lại đứng thứ 142; Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (quận Hà Đông) có điểm thi đứng thứ 15 của thành phố, nhưng môn hóa học lại đứng thứ 139. Trường Trung học phổ thông Quốc Oai nằm trong tốp 50 của thành phố về kết quả thi nhưng môn sinh học, hóa học lần lượt đứng thứ 112, 128...

Nỗ lực kéo gần khoảng cách

Năm 2023, tỷ lệ tốt nghiệp toàn thành phố đạt 99,56%, xếp thứ 16 trong toàn quốc, tăng 11 bậc so với năm 2022. Đây là sự chuyển biến vượt bậc, nhưng theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, mục tiêu không phải là đạt tỷ lệ tốt nghiệp tuyệt đối, mà là nâng chất lượng kỳ thi, xóa “vùng trũng”, kéo gần khoảng cách chất lượng giáo dục giữa các trường. Mục tiêu ấy đang được cụ thể hóa bằng nhiều giải pháp ở các nhà trường.

Năm nay, Trường Trung học phổ thông Quốc Oai dành ưu tiên giáo viên chuyên môn vững, nhiều kinh nghiệm ôn tập, củng cố kỹ năng thi trắc nghiệm khách quan môn sinh học và hóa học cho học sinh. Theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Quốc Oai Nguyễn Minh Châu, năm nay tỷ lệ học sinh đăng ký chọn tổ hợp khoa học tự nhiên (gồm các môn vật lý, hóa học, sinh học) cao hơn năm trước, chiếm khoảng 60% trong tổng số gần 700 học sinh. Vì thế, việc nâng chất lượng ôn tập môn sinh học và hóa học được coi trọng hơn. Nhà trường phối hợp với phụ huynh quan tâm động viên học sinh; rèn học sinh làm tốt đề kiểm tra không chỉ ở mức độ nhận biết, thông hiểu mà còn biết vận dụng, vận dụng cao. Nhà trường cũng nhắc nhở học sinh học đều các môn, nhất là với những môn học trong tổ hợp có nguyện vọng dự thi tốt nghiệp, bởi nếu đạt kết quả thi tốt sẽ mở thêm cơ hội tham gia xét tuyển đại học...

Cuối tháng 3 vừa qua, hơn 600 học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông Tân Lập có buổi học trực tiếp kết hợp trực tuyến với một cô giáo dạy giỏi môn tiếng Anh của Trường Trung học phổ thông Phan Đình Phùng (quận Ba Đình). Đây là một trong những hoạt động chuyên môn trong phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” do ngành Giáo dục Hà Nội triển khai. Hiệu trưởng nhà trường Lý Đức Kim cho biết, cách làm này được duy trì từ năm học trước và đã cho thấy hiệu quả. Từ trường có điểm thi môn tiếng Anh thấp hơn mức trung bình của thành phố, năm 2023 kết quả thi môn này đã chuyển biến. Năm nay, nhà trường tạo điều kiện để giáo viên được học hỏi kinh nghiệm, phương pháp dạy học của giáo viên tiếng Anh Trường Trung học phổ thông Phan Đình Phùng; đặt mục tiêu nằm trong tốp 100 trường có điểm môn tiếng Anh cao. Để giáo viên, học sinh cùng đánh giá mức độ đạt được của những nỗ lực này, vào cuối tháng 4, trường sẽ tham gia cùng nhóm các trường trên địa bàn tổ chức khảo sát học sinh.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 sẽ diễn ra trong hai ngày 27 và 28-6. Hà Nội đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp khắc phục hạn chế, nâng chất lượng kỳ thi, trong đó có việc tổ chức khảo sát học sinh toàn thành phố vừa diễn ra ngày 5 và 6-4. Sau khi có kết quả khảo sát, Sở sẽ có hướng dẫn cụ thể với từng nhóm trường trong việc tổ chức ôn tập với học sinh lớp 12 nhằm sử dụng hiệu quả thời gian còn lại của năm học.