Bám cơ sở để phục vụ nhân dân
Là địa bàn trọng điểm trong nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự của Thủ đô, từ năm 2022, Công an phường Điện Biên (quận Ba Đình) đã được chọn để triển khai mô hình "Công an phường kiểu mẫu, điển hình về an ninh trật tự và văn minh đô thị" đầu tiên của Hà Nội.
Thành công của mô hình không chỉ tạo chuyển biến rõ nét trong an ninh trật tự ở cơ sở, mà còn góp phần tích cực xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trong tình hình mới.
Năm 2023 vừa qua, phường Phú La (quận Hà Đông) không xảy ra các vụ án, cháy nổ nghiêm trọng; không có tụ điểm phức tạp về hình sự, ma túy; 100% tin báo được giải quyết kịp thời, đúng trình tự và quy định pháp luật; tỷ lệ khám phá phạm pháp hình sự đạt hơn 90%; số vụ phạm tội về trật tự xã hội giảm 8% so với năm 2022. Đó là kết quả nổi bật sau hơn một năm phường thí điểm xây dựng mô hình trên.
Từ hai ví dụ cụ thể trên trong việc triển khai mô hình với 22 tiêu chí tạm thời được Bộ Công an triển khai tại Hà Nội và các địa phương đã cho thấy, đây là một chủ trương lớn góp phần nâng cao chất lượng toàn diện các mặt công tác của công an phường, thực sự tạo môi trường văn minh, an toàn cho nhân dân.
Tuy nhiên, thực tiễn vẫn còn những bất cập, hạn chế. Cụ thể, chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của công an một số phường chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; cơ sở vật chất, trụ sở làm việc của nhiều đơn vị chưa bảo đảm về diện tích và công năng sử dụng. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng, quy hoạch đô thị còn chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến công tác bảo đảm trật tự, văn minh đô thị.
Trước yêu cầu cấp thiết trên, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TU ngày 5-4-2024 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng công an phường kiểu mẫu về an ninh trật tự và an ninh đô thị.
Để mô hình trên thực sự phát huy hiệu quả, trước hết cần đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương lớn này, trong đó xác định rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công an phường - nhân tố then chốt giữ gìn an ninh, trật tự “từ sớm, từ xa, từ cơ sở, ngay từ khu dân cư”. Trong đó, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cần xác định rõ trách nhiệm trong việc nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện.
Về phía các cấp chính quyền, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh cải cách hành chính, chủ động phối hợp các đơn vị nghiệp vụ của Công an thành phố xây dựng hạ tầng truyền dẫn dùng riêng cho ngành Công an khép kín tới công an phường, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Đối với lực lượng công an quận, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cán bộ, chiến sĩ trong triển khai thực hiện. Cùng với đó, các đơn vị cần siết chặt kỷ cương, kỷ luật và nâng cao ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm trong chấp hành điều lệnh, quy trình, chế độ công tác của cán bộ, chiến sĩ công an phường, với phương châm “lúc dân cần, lúc dân khó, có công an”; “trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân”.
Đến nay, 22/26 phường được lựa chọn làm điểm ở thành phố Hà Nội đã tiệm cận các tiêu chí trở thành công an phường điển hình kiểu mẫu về an ninh trật tự và văn minh đô thị. Việc tiếp tục triển khai mô hình sẽ góp phần nâng cao trình độ, bản lĩnh và tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, chiến sĩ; qua đó, góp phần xây dựng hình ảnh, phong cách người cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân nói chung, công an phường nói riêng bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ.