Chính trị

Cần điều kiện bảo đảm thực thi hiệu quả Luật Thủ đô

Hà Phong 10/04/2024 19:00

Ngày 10-4, Hội Luật gia thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Đổi mới, hoàn thiện tổ chức chính quyền đô thị nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân là vấn đề được đặc biệt quan tâm.

Tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố là cần thiết

0.jpg
Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: Hà Phong

Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), các luật gia nhận xét, Dự thảo Luật lần này đã hướng tới mục tiêu tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội; khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật để xây dựng, phát triển Thủ đô, trong đó có việc hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị.

Theo ý kiến các luật gia, dự thảo Luật quy định tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố từ 95 lên 125 đại biểu; tăng tỷ lệ đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 25% - đây được coi là giải pháp cần thiết nhằm nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp và hiệu quả hoạt động của HĐND. Bởi không giống với nhiệm vụ, thẩm quyền của chính quyền địa phương khác, chỉ giải quyết những vấn đề quản trị của địa phương, chính quyền Thủ đô phải giải quyết những vấn đề của Thủ đô và cả những vấn đề quốc gia đặt ra với Hà Nội với vai trò, nhiệm vụ là Thủ đô. Do vậy, HĐND thành phố Hà Nội cần có lực lượng đại biểu đông hơn, chuyên nghiệp hơn, tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách cũng phải nhiều hơn và tiêu chuẩn đối với người tham gia ứng cử đại biểu HĐND thành phố Hà Nội cũng phải cao hơn so với những địa phương khác.

2(3).jpg
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Hà Phong

Đề cập cụ thể hơn, luật gia Vũ Đình Thọ - Chi hội trưởng Chi hội Luật gia phường Giảng Võ (quận Ba Đình) phân tích, tại khoản 1 Điều 9 dự thảo Luật quy định “Thành phố Hà Nội được bầu 125 đại biểu HĐND thành phố" (theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và thực tế hiện nay, số lượng đại biểu HĐND thành phố Hà Nội đang là 95 - con số này so với bình quân cả nước còn khá thấp).

Hiện tại, dân số Thủ đô đang tiếp tục gia tăng từ cả 2 nguồn: Gia tăng tự nhiên và gia tăng cơ học. Hơn nữa, dự báo dân số Hà Nội cao hơn so với quy hoạch đã định (quy hoạch điều chỉnh đến năm 2030 đạt khoảng 11 triệu người và đến năm 2050 là khoảng 14 triệu người). Như vậy, có thể nhận thấy tỷ lệ giữa số lượng đại biểu HĐND so với dân số Thủ đô đang mất sự cân đối; việc tăng lên nhanh chóng của dân số Thủ đô cũng kéo theo phát sinh nhiều vấn đề phức tạp.

“Do đó, để đảm bảo tính hiệu quả của công tác quản lý địa phương thì cần xem xét và điều chỉnh số lượng đại biểu HĐND phù hợp với thực tế của thành phố Hà Nội” - luật gia Vũ Đình Thọ đề xuất.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội Luật gia quận Tây Hồ Phạm Thị Thanh Giang đề nghị, cần làm rõ, quy định cụ thể cơ cấu, ưu tiên của Hà Nội như thế nào để có thể chốt, đề xuất số lượng 125 đại biểu HĐND thành phố Hà Nội trong dự thảo Luật.

Cân nhắc quy định chính sách lương với người tài trong luật

Ngoài điểm mới nhất, đó là tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố và tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố, dự thảo xác định rõ là chính quyền địa phương ở cấp huyện thì thực hiện theo các chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và thêm một điểm mới, đó là bổ sung phân cấp, phân quyền cho chính quyền đô thị của quận, của thị xã và của thành phố trực thuộc thành phố Hà Nội cũng như chính quyền địa phương của các phường và thị trấn.

Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến nhấn mạnh, những quy định cụ thể trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này, chắc chắn sau khi Luật có hiệu lực thi hành, chính quyền các quận, huyện và chính quyền thành phố trực thuộc thành phố Hà Nội cũng như các xã, phường, thị trấn sẽ được tăng thêm các thẩm quyền trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ và phát triển kinh tế xã hội địa phương. Theo hướng đi này, cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn và có những chính sách cụ thể, rõ ràng về trọng dụng nhân tài để hút người giỏi vào làm việc. Cùng đó, ngoài mức lương được hưởng 100% theo quy định của dự thảo Luật, cũng cần quy định thêm mức tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Thủ đô.

“Luật đã giao cho HĐND quy định chi tiết, tuy nhiên tôi nghĩ có thể quy định ngay ở trong Luật sẽ phù hợp hơn. Thành phố Hồ Chí Minh đang áp dụng tăng gấp hai lần, tại sao Hà Nội lại không quy định luôn ở trong Luật Thủ đô mức lương cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở Thủ đô cũng tăng gấp hai lần? Như vậy sẽ đảm bảo được quyền lợi của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Thủ đô” - Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến đề xuất.

Ngoài ra, theo các luật gia, về đơn vị hành chính thành phố thuộc thành phố, theo Điều 11 và Điều 12 dự thảo Luật Thủ đô thì tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của quận, thị xã và thành phố thuộc thành phố hoàn toàn như nhau. Tuy nhiên cần làm rõ, thành phố thuộc thành phố, thị xã và quận có phải cùng cấp chính quyền là cấp quận không?

“Về chính sách ưu đãi cho phát triển giao thông công cộng, mặc dù đã nhận định giao thông công cộng trở thành một định hướng trong quy hoạch giao thông đô thị của Hà Nội nhưng tại thời điểm hiện tại, các chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư, cũng như sự ưu đãi để tạo động lực và thúc đẩy cho việc triển khai giao thông công cộng bằng các quy định pháp lý thì chưa được rõ nét.

Thực tế, dự án giao thông công cộng thường có quy mô lớn, số vốn đầu tư lên đến hàng tỉ USD, không chỉ có sự tham gia của một vài doanh nghiệp mà cần tạo cơ chế để thu hút các nhà đầu tư vừa và nhỏ cùng tham gia…” - Luật gia Vũ Đình Thọ - Chi hội trưởng Chi hội Luật gia phường Giảng Võ (quận Ba Đình) nói .