Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) sẽ chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học
Chiều 10-4, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức họp báo thường kỳ quý I-2024.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang chủ trì buổi họp báo.
Về công tác xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; tập trung xây dựng hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi); hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 4 văn bản, gồm: Nghị định số 10/2024/NĐ-CP ngày 1-2-2024 quy định về khu công nghệ cao; Nghị định số 18/2024/NĐ-CP ngày 21-2-2024 về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ; Quyết định số 177/QĐ-TTg ngày 14-2-2024 về việc thành lập Hội đồng quốc gia về Khoa học, Công nghệ và đổi mới sáng tạo; Quyết định số 229/QĐ-TTg ngày 13-3-2024 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050...
Dự kiến trong quý II-2024, bên cạnh việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tổ chức các sự kiện lớn như: Tổ chức các hoạt động chào mừng Ngày Đổi mới sáng tạo thế giới 21-4 và phát động các hoạt động đổi mới sáng tạo năm 2024; chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26-4; Tổ chức hoạt động chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18-5, hướng tới kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ: Triển lãm và gian hành thành tựu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Lễ chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18-5 và Lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu 2024; Lễ trao Giải thưởng Báo chí về Khoa học và công nghệ; Hội nghị các nhà khoa học trẻ và Lễ trao giải cuộc thi Sáng kiến khoa học 2024...
Tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, Bộ đang nghiên cứu, sửa đổi toàn diện Luật Khoa học và Công nghệ nhằm thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thời gian tới. Có 15 nhóm chính sách đang lập hồ sơ để xin ý kiến các bộ, ngành, UBND các tỉnh/ thành, các doanh nghiệp, hiệp hội... Quá trình này tiếp tục được hoàn thiện. Dự kiến Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) sẽ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước giữa cơ quan trung ương và chính quyền địa phương, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong quản lý khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Về vấn đề chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học trong dự thảo Luật, bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp cho biết, Luật sửa đổi sẽ rà soát, sửa đổi cơ chế chính sách để thực hiện chức năng đặc thù của khoa học, công nghệ trong đó có việc chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học. Đây không phải là nội dung hoàn toàn mới mà đã được quy định trong Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013.
Hiện nội dung về chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học đang ở trong 3 chính sách liên quan đến tổ chức nghiên cứu khoa học, liên quan đến chương trình nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và liên quan đến cá nhân nghiên cứu khoa học, được mở rộng hơn so với Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013. Nội dung này cũng sẽ được hoàn thiện đồng bộ với các hệ thống pháp luật có liên quan...