Thế giới

Bầu cử địa phương tại Ba Lan: Đảng cầm quyền chật vật trong “phép thử”

Quang Tâm 10/04/2024 - 07:43

Cuộc bầu cử địa phương tại Ba Lan cuối tuần qua đã không mang lại cho Thủ tướng Donald Tusk chiến thắng sâu rộng như mong đợi trong nỗ lực đảo ngược ảnh hưởng của đảng cầm quyền tiền nhiệm, từng bị Liên minh châu Âu (EU) cáo buộc làm xói mòn các chuẩn mực của khối.

Sự chia rẽ sâu sắc trên chính trường Ba Lan là dấu hiệu cho thấy, Thủ tướng Donald Tusk sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn trong nhiệm kỳ của mình.

dang-cam-quyen-cua-thu-tuon.jpg
Đảng cầm quyền của Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk không giành được chiến thắng như mong đợi.

Kết quả cuối cùng được Ủy ban Bầu cử thông báo cho thấy, đảng Luật pháp và Công lý (PiS) giành được 34,27% số phiếu phổ thông và kiểm soát 7 trong số 16 hội đồng khu vực. Đảng Liên minh Công dân (KO) của Thủ tướng Donald Tusk giành được 30,59% phiếu bầu, kiểm soát 9 hội đồng khu vực. Vòng bỏ phiếu thứ hai sẽ diễn ra vào ngày 21-4 ở những khu vực các ứng cử viên thị trưởng không giành được hơn 50% phiếu bầu trong vòng một. Tuy nhiên, xét những gì đang diễn ra, KO ít có khả năng tạo được một kết quả đột phá trong vòng hai.

Cuộc bầu cử địa phương lần này được xem như một “phép thử” đối với Thủ tướng Donald Tusk sau 4 tháng trở lại “chiếc ghế” mà ông đã đảm nhiệm trước đó từ năm 2007 đến năm 2014. Theo các nhà phân tích, dù hiện tại KO là đảng cầm quyền, song ảnh hưởng của PiS cũng có thể khiến chính trường Ba Lan chao đảo do đảng này giữ được nhiều ghế nhất trong quốc hội (194 ghế) cùng với mạng lưới đồng minh thiết lập được trong 2 nhiệm kỳ trước.

Trên thực tế, trong cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 10-2023, PiS là đảng giành thắng lợi nhưng đánh mất đa số phiếu (35,4%). Tổng thống Andrzej Duda đã giao nhiệm vụ thành lập chính phủ liên minh cho lãnh đạo PiS - ông Mateusz Morawiecki. Tuy nhiên, trong cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội sau đó, Chính phủ do ông Mateusz Morawiecki đề xuất đã không nhận được đa số tín nhiệm. Sau đó, quyền thành lập chính phủ liên minh được trao cho lãnh đạo KO - ông Donald Tusk và nội các đã được đệ trình Quốc hội Ba Lan thông qua vào ngày 12-12-2023.

Sau khi lên nắm quyền vào cuối năm 2023, Thủ tướng Donald Tusk tuyên bố sẽ hủy bỏ một số chính sách của PiS và trừng phạt các quan chức bị cáo buộc có hành vi sai trái trong thời gian nắm quyền. Đáng chú ý, nội các của ông Donald Tusk đã ra lệnh sa thải ngay lập tức các giám đốc của đài truyền hình, đài phát thanh và hãng thông tấn thuộc sở hữu nhà nước khi cho rằng, những người này đã biến các cơ quan thông tấn thành cỗ máy tuyên truyền riêng cho PiS. Quyết định này khiến các nghị sĩ thành viên của PiS tức giận. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, người có khuynh hướng ủng hộ PiS, cũng liên tục ban hành những quyết định đi ngược lại với Thủ tướng Donald Tusk khiến chính trường nước này nhiều lúc rơi vào tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.

Theo Thủ tướng Donald Tusk, việc đảng của ông không thể có được sự bứt phá tại cuộc bầu cử địa phương một phần là do lượng lớn cử tri ủng hộ PiS đi bỏ phiếu đông đảo ở các khu vực trung tâm miền Đông Ba Lan và vùng nông thôn. Song đảng của ông đã làm tốt ở thủ đô Warsaw, nơi Thị trưởng đương nhiệm Rafal Trzaskowski đã tái đắc cử mà không cần phải bỏ phiếu vòng hai. Giới quan sát cho biết, sự thể hiện mạnh mẽ ở thủ đô sẽ củng cố triển vọng cho Thị trưởng Rafal Trzaskowski trở thành ứng cử viên tổng thống tiềm năng của KO trong cuộc bầu cử diễn ra vào năm tới. Nếu đắc cử, thế bế tắc giữa Thủ tướng Donald Tusk và đương kim Tổng thống Andrzej Duda hiện nay sẽ không còn, giảm bớt một rào cản trên lộ trình thực hiện cải cách cơ quan tư pháp mà ông cam kết trước khi lên nắm quyền.

Kết quả cuộc bầu cử địa phương lần này là thước đo để Thủ tướng Donald Tusk và đảng của mình xây dựng chiến lược phù hợp cho “cuộc đua” năm tới và củng cố những đòn bẩy cho cuộc bầu cử Quốc hội nhiệm kỳ tiếp theo.

Đối với EU, sự trở lại nắm quyền lãnh đạo Ba Lan của PiS là viễn cảnh không được “ngôi nhà chung” 28 thành viên mong muốn. Bởi trong suốt 2 nhiệm kỳ 2015-2023, đảng phái theo đường lối dân tộc chủ nghĩa này đã đưa ra nhiều quyết sách đối đầu với EU nhất là những vấn đề liên quan tới pháp quyền và sự độc lập của cơ quan tư pháp. Chính vì vậy, các nhà lãnh đạo EU đang theo dõi rất sát sao những diễn biến chính trị tại Ba Lan. Sức mạnh của KO được củng cố đồng nghĩa với việc Warsaw tuân thủ các giá trị cũng như nguyên tắc chung và đóng vai trò mang tính xây dựng hơn, đặc biệt là sự đoàn kết đang là vấn đề được đề cao trong liên minh ở thời điểm hiện tại.