Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Tỉnh táo để không sa bẫy thông tin xấu độc

Minh Nguyệt 10/04/2024 - 07:41

Thời gian qua, cứ mỗi khi các cơ quan trung ương ra quyết định xử lý kỷ luật, cho thôi chức cán bộ lãnh đạo thì các thế lực thù địch, những kẻ cơ hội chính trị lại lấy cớ lan truyền những bình phẩm ác ý, cố tình gán ghép thông tin cho rằng đó là thanh trừng, đấu đá nội bộ... Nhưng những chiêu trò, luận điệu xảo trá này đã quá xáo mòn đến mức kệch cỡm.

quang-canh-ky-hop-thu-39-cu.jpg
Quang cảnh kỳ họp thứ 39 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, tháng 4-2024.

1. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài của Đảng; muốn nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu thì phải xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Trong đó, công tác cán bộ là công việc gốc của Đảng. Thực hiện công tác cán bộ thì phải “Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật. Kết hợp giữa “xây” và “chống”; “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách…”.

Về mặt “xây”, Đảng đã triển khai hàng loạt giải pháp toàn diện nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp gắn với đổi mới công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm... Về mặt “chống”, song song với hoàn thiện thể chế, Đảng đã tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật, kiên quyết thay thế, cho thôi chức đối với những người không còn đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định.

Trong xử lý cán bộ vi phạm, quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Đây là điều mang tính nguyên tắc, thể hiện tính khách quan, khoa học, là lẽ đương nhiên mà bất kỳ tổ chức nào, xã hội tiến bộ nào cũng phải thực hiện. Đây còn là yêu cầu, đòi hỏi mà quảng đại quần chúng đặt ra đối với Đảng, Nhà nước. Chính vì vậy, không có gì ngạc nhiên, nếu một cán bộ lãnh đạo (dù ở vị trí công tác nào), hôm nay còn đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn theo quy định, còn được tổ chức, đồng chí, đồng đội tin tưởng, đánh giá cao, nhân dân yêu mến thì tiếp tục làm việc, thậm chí được quy hoạch, bố trí, sắp xếp đảm nhiệm vị trí công tác quan trọng hơn. Nhưng nếu cán bộ không còn đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, có vi phạm kỷ luật, vi phạm những điều đảng viên không được làm, mất uy tín thì bị điều chuyển sang công tác khác, tự nguyện xin nghỉ, được cho thôi chức, thậm chí bị xử lý về mặt pháp luật.

Có một thực tế, một số cán bộ lãnh đạo, khi đương chức đã có những chỉ đạo đúng, trúng đem lại lợi ích cho dân, cho nước, được nhân dân ghi nhận, có tình cảm quý mến. Khi cán bộ đó không còn đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, có vi phạm, bị cho thôi chức, nhiều người có cảm giác tiếc nuối, thậm chí không tin đó là sự thật. Những thế lực thù địch, những kẻ cơ hội chính trị thường lợi dụng tâm lý này để phục vụ mưu đồ phá hoại của chúng. Chúng đưa tin dồn dập ca ngợi nhằm nhào nặn ra hình ảnh về một cán bộ có tài, có đức nhưng đang bị trù dập, thanh trừng nên mới bị kỷ luật. Một vài người khi xem tin tức như vậy thì liền “ba máu sáu cơn” để “tình cảm lấn át lý trí” vô tư vào hùa bình luận, chia sẻ như thể Đảng đã lãng phí một tài năng... Họ không biết rằng, đây là cách phản ứng vội vàng, phiến diện, ấu trĩ và đương nhiên là rất có hại, vô hình trung đã tiếp tay cho kẻ xấu nhằm hạ thấp uy tín của Đảng.

Cần biết rằng, trước khi đưa ra quyết định kỷ luật hay cho thôi chức một cán bộ lãnh đạo, tổ chức Đảng dù ở cấp cơ sở hay Trung ương đều phải thực hiện đúng quy trình, quy định theo Điều lệ Đảng và trên hết là tuân thủ nghiêm Hiến pháp, pháp luật. Cấp nào xử lý theo cấp đó, rõ đến đâu làm đến đấy, làm từng bước vững chắc, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, đoàn kết thống nhất... Trong xử lý kỷ luật, Trung ương chủ trương lấy giáo dục cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe là chính. Cho nên, cán bộ nào đó được cho thôi chức, được chuyển công tác ở góc độ nào đó chính là vì Đảng ta luôn coi trọng tính nhân văn trong xử lý cán bộ; như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói rõ “xử lý rất công tâm, khách quan, bài bản, đúng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghiêm minh nhưng nhân đạo, nhân ái...”.

Trong mọi trường hợp, cần phải biết phân biệt rõ ràng công và tội, công ra công, tội ra tội, công không thể khỏa lấp, bù cho tội. Bởi như Bác Hồ từng nói: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.

2. Để tránh sa vào bẫy tuyên truyền phản động của các thế lực thù địch, những kẻ cơ hội chính trị, bản thân mỗi chúng ta, trước hết là cán bộ, đảng viên phải tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Sở dĩ một số người dễ vào hùa theo, chia sẻ những thông tin chưa rõ nguồn gốc, chưa rõ thực hư nhưng rất “lay động lòng người” là do thiếu hiểu biết, thiếu bản lĩnh hoặc thiếu lòng tin; thông thường thiếu lòng tin có phần quan trọng là thiếu hiểu biết, đầu óc quá dễ dãi tiếp nhận những thông tin “chê bai”, “đả kích”, chiều theo thói quen thích thú khi xung quanh náo động... Chúng ta nên biết rằng, chê bai là sở thích của người ngoài cuộc; cán bộ, đảng viên và nhân dân có lòng yêu Tổ quốc, thương đồng bào nhất định phải cân nhắc từng lời, đã nói ra là phải nhằm đóng góp xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, tuyệt đối không lan truyền những thông tin chưa được kiểm chứng, những thông tin độc hại.

Từng người cần trang bị cho mình lăng kính của khoa học và trí tuệ để phân biệt thông tin thật, giả, xấu độc; trau dồi cho được nhân sinh quan, thế giới quan khoa học, biện chứng để trên cơ sở đó đánh giá từng vấn đề nảy sinh trong cuộc sống, từng con người một cách khách quan, toàn diện, đúng đắn, đi đến tận cùng bản chất. Trên thực tế, Đảng, Nhà nước luôn luôn lắng nghe những góp ý của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trung ương còn có văn bản bắt buộc cấp ủy phải lắng nghe góp ý của nhân dân, bảo vệ người tố cáo tham nhũng, tiêu cực, khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm... Và khi người dân có ý kiến, kiến nghị, người đứng đầu cấp ủy phải chủ trì tiếp dân, đối thoại với dân để tiếp thu, giải quyết. Ngược lại, những lời nói, hành vi sai trái, có hại cho lợi ích chung, vi phạm quy định pháp luật, bôi nhọ danh dự cá nhân, tổ chức, nhất định sẽ bị xử lý nghiêm minh. Không ít cá nhân vì ngây thơ vội vàng chia sẻ, thậm chí nghe nói chỗ này, chỗ nọ đã đăng bài, viết “tút” như thể người trong cuộc nhưng thực tế là sai sự thật đã phải nhận những bài học thích đáng khi bị phạt hành chính lên tới hàng chục triệu đồng. Thậm chí, có người còn phải chịu sự trừng phạt của pháp luật khi bị kẻ xấu lợi dụng để tung tin giả, cố tình lắp ghép ảnh, tin bài, sự kiện hòng bôi nhọ, vu khống, làm giảm uy tín của Đảng, Nhà nước, của chế độ ta...

Cùng với trách nhiệm của mỗi cá nhân, cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và xã hội trong tham gia phòng, chống thông tin xấu độc. Đồng thời, cần nhân rộng các mô hình tuyên truyền giáo dục, hướng dẫn nhận diện thông tin xấu độc. Các chi bộ, các tổ chức đoàn thể nên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề với nội dung này để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, hội viên trong việc chủ động phòng tránh hay thậm chí trở thành những “chiến sĩ xung kích” tham gia đấu tranh phản bác những thông tin xấu độc.

Thế lực thù địch, những kẻ cơ hội chính trị luôn tìm cách chống phá với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Chúng ta muốn bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ sự bình yên để phát triển nhất định phải cùng đoàn kết, đồng lòng. Đảng, Nhà nước có nhân dân bao bọc, tin tưởng thì nhất định sẽ ngày càng trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ sẽ ngày càng được hoàn thiện, có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.