Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội không làm hạn chế tư duy phát triển
Ngày 9-4, tại trụ sở Chính phủ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp báo cáo điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội (Quy hoạch). Cùng dự có đại diện các bộ, ngành, chuyên gia.
Về phía thành phố Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn...
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng, Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội cần có sự đồng bộ với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; giải quyết tốt mối quan hệ với các quy hoạch chuyên ngành về đất đai, giao thông, cây xanh, nông nghiệp, thủy lợi, văn hóa, giáo dục… để thống nhất trong thực hiện, không làm hạn chế tư duy phát triển.
Liên quan đến thời kỳ trong quy hoạch, theo Phó Thủ tướng, Hà Nội nên dựa trên kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn, cần chứng minh tầm nhìn của yêu cầu quy hoạch, “nhìn rõ đến đâu thì xác định đến đó, cân nhắc và tính toán kỹ”. “Quá trình lập quy hoạch cần bám sát các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, trên cơ sở đánh giá chính xác thực trạng, bối cảnh, để tính toán dự báo, đưa ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Bên cạnh đó, Quy hoạch phải xem xét, nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, báo cáo cấp thẩm quyền, xin chủ trương, kiến nghị hướng xử lý đối với những vấn đề mới đặt ra như trong thành phố có rừng, thành phố trong rừng…; xây dựng tiêu chí cụ thể về văn hóa, dịch vụ, hạ tầng, quy tắc ứng xử công cộng, môi trường… để thực hiện được các mục tiêu đề ra, Hà Nội là thành phố của hòa bình, xanh, đáng đến và đáng sống.
Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn, Quy hoạch tái hiện được một Hà Nội nghìn năm văn hiến, gắn với những con sông, nhất là sông Hồng và cảnh buôn bán tấp nập; từ đó, đặt ra yêu cầu cải tạo, chỉnh trị và trả lại cho các con sông những chức năng trước đây đã có như không gian mặt nước, thoát nước, thoát lũ, phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch, vui chơi, giải trí.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến về xây dựng các bộ tiêu chí, luận chứng để xác định các dự án ưu tiên, cấp bách, những nhiệm vụ dài hạn, chiến lược; đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong luật chuyên ngành; cơ chế đặc thù cho Thủ đô; định hướng kết nối các tuyến giao thông xuyên tâm; quy hoạch xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại…
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, mục tiêu và tầm nhìn phát triển đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là thành phố “văn hiến - văn minh - hiện đại”, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước và thế giới; là trung tâm hàng đầu trong nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới; là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng động lực phía Bắc. Thủ đô Hà Nội là trung tâm kinh tế tài chính lớn, là cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt kinh tế của đất nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực, dựa trên mô hình phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và kinh tế chia sẻ.
Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển là giải quyết ô nhiễm các dòng sông nội đô; thực hiện tổng hợp các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường, không khí khu vực đô thị; giải quyết dứt điểm tình trạng ngập, úng cục bộ; phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn theo hướng phát triển kinh tế tuần hoàn; phát triển các hành lang xanh, tăng diện tích cây xanh khu vực nội đô…
Quy hoạch nêu rõ việc tập trung phát triển hạ tầng giao thông công cộng, giải quyết căn bản tình trạng ùn tắc; cải tạo các khu chung cư cũ; bảo tồn, chỉnh trang khu phố cổ, phố cũ nhằm khai thác, phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử, phục vụ phát triển du lịch; khai thác không gian ngầm; xây dựng khu vực nông thôn theo hướng mô hình làng nông nghiệp đô thị (agritown); xây dựng mô hình “phố trong làng” cùng một số không gian văn hóa nông thôn mang đậm nét đặc sắc văn hóa Đồng bằng Bắc Bộ; khai thác tiềm năng sông Hồng…
Ngoài ra, nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển cũng xác định một số tiêu chí trên lĩnh vực xã hội (giáo dục, văn hóa, y tế...); an ninh, an toàn; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực...
Các khâu đột phá phát triển tập trung vào thể chế và quản trị; hạ tầng đồng bộ, hiện đại và kết nối; nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; đô thị, môi trường và cảnh quan; sắp xếp, phân bố không gian phát triển.
Quy hoạch xác định cấu trúc không gian phát triển bao gồm:
5 không gian phát triển; 5 hành lang và vành đai kinh tế; 5 trục động lực; 5 vùng kinh tế - xã hội; 5 vùng đô thị.
Để tổ chức triển khai hiệu quả Quy hoạch, 7 nhóm giải pháp trọng tâm được đề xuất thực hiện và là tiền để xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai. Đó là: Huy động và sử dụng nguồn lực; phát triển nguồn nhân lực; bảo vệ môi trường; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; cơ chế, chính sách liên kết, phát triển vùng; quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn; thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, chuyên gia… đã tập trung thảo luận một số nội dung liên quan đến việc rà soát, bổ sung căn cứ lập Quy hoạch, nguyên tắc và phương pháp lập Quy hoạch; thực trạng phát triển kinh tế - xã hội; hiện trạng sử dụng đất, hệ thống đô thị - nông thôn; quan điểm và mục tiêu, các khâu đột phá và nhiệm vụ trọng tâm phải bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước; phương hướng phát triển các ngành quan trọng theo phân cấp ngành 2, ngành 3 của nền kinh tế...