Giá quặng sắt lên mức cao nhất 2 tuần, giá cà phê nhân xô trong nước tăng mạnh
Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, lực bán chiếm ưu thế trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới sau tuần tăng giá rất mạnh trước đó.
Nhiều mặt hàng đảo chiều suy yếu đã kéo chỉ số MXV-Index quay đầu giảm nhẹ 0,11% xuống 2.313 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt trên 6.300 tỷ đồng.
Kim loại là nhóm duy nhất chốt ngày hôm qua (8-4) trong sắc xanh với toàn bộ 10 mặt hàng đồng loạt tăng giá.
Đáng chú ý, sau chuỗi nhiều phiên giảm liên tiếp, giá quặng sắt đã trải qua phiên giao dịch khởi sắc khi bật tăng 6,01% lên 104,26 USD/tấn, mức cao nhất trong gần hai tuần, nhờ một vài dấu hiệu cho thấy nhu cầu thép phục hồi. Trong đó, sản lượng kim loại nóng trung bình hằng ngày của các nhà sản xuất thép Trung Quốc đã tăng 1%, lên 2,24 triệu tấn vào ngày 3-4, cao nhất kể từ cuối tháng 2.
Hơn nữa, nhu cầu thép bùng nổ tại Ấn Độ càng giúp thúc đẩy lực mua nguyên liệu thô đầu vào cho sản xuất. Tiêu thụ thép tại Ấn Độ đạt tổng cộng 136 triệu tấn, tăng 13,4% so với cùng kỳ và sản lượng thép thô đạt 143,6 triệu tấn, tăng 12,9% so với cùng kỳ.
Đối với kim loại quý, giá bạc nối dài đà tăng sang ngày thứ tám liên tiếp khi tăng 1,11% lên 27,8 USD/ounce. Giá bạch kim cũng phục hồi sau ngày giảm vào cuối tuần, chốt tại mức 974,5 USD/ounce sau khi tăng 3,6%.
Trong đó, nhu cầu tiêu thụ bạc tăng vọt càng hỗ trợ cho giá. Dữ liệu của Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ cho thấy, quốc gia tiêu thụ bạc lớn nhất thế giới này đã nhập khẩu kỷ lục 2.295 tấn bạc trong tháng 2, tăng từ mức 637 tấn vào tháng 1. Nhập khẩu bạc của nước này được dự báo có thể đạt 6.000 tấn vào năm nay.
Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX chốt ngày tăng 0,94%. Mặt hàng này đón nhận lực mua tích cực nhờ triển vọng tiêu thụ lạc quan, đặc biệt là đặt trong bối cảnh thị trường đồng vẫn đang phải đối mặt với rủi ro nguồn cung thu hẹp như hiện tại.
Đối với mặt hàng cà phê, giá Arabica giảm 0,66% sau khi chạm mức cao nhất 1 năm rưỡi, giá Robusta giảm không đáng kể 0,05% từ mức đỉnh lịch sử 30 năm. Tính đến 2-4, vị thế mua ròng cà phê Arabica đã ở mức 43.059 hợp đồng, cao nhất trong 2 năm.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng 8-4, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tăng mạnh 1.200 đồng/kg, đưa giá thu mua cà phê trong nước lên mức cao chưa từng có, dao động quanh mốc 104.000 – 104.500 đồng/kg.
Cũng trên thị trường nguyên liệu công nghiệp, chốt ngày 8-4, ca cao tiếp tục neo ở vùng giá cao nhất lịch sử sau khi tăng thêm 1,02%. Lo ngại thiếu hụt nguồn cung tại các nước sản xuất tiếp tục là yếu tố thúc đẩy giá. Sản lượng ở mức thấp là nguyên nhân chính khiến hoạt động xuất khẩu chững lại. Trader Ecom dự đoán, sản lượng ca cao vụ hiện tại của Bờ Biển Ngà sẽ giảm 21,5% so với vụ trước, về còn 1,75 triệu tấn, mức thấp nhất trong 8 năm.
Bên cạnh đó, giá đường 11 giảm 1,82% trong phiên hôm qua, về mức thấp nhất trong gần 1 tháng.