Kinh tế

Phát triển bền vững các khu công nghiệp: Tìm cách vượt rào cản...

Lam Giang 09/04/2024 06:11

Dù đóng góp nhiều cho nền kinh tế song các khu công nghiệp trên cả nước vẫn chưa thể cân bằng giữa kinh tế, môi trường và xã hội. Nhiều rào cản cho sự phát triển bền vững của các khu công nghiệp đang cần được tháo gỡ...

cong-nghiep.jpg
Một góc Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh). Ảnh: Quang Thái

Chưa cân đối

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cả nước đã có 418 khu công nghiệp (gồm 371 khu công nghiệp nằm ngoài các khu kinh tế, 39 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế ven biển, 8 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế cửa khẩu), với tổng diện tích khoảng 129,9 nghìn héc ta.

Trong đó, 298 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy khoảng 72,5%. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đóng góp khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, góp phần vào việc chuyển cán cân thương mại của Việt Nam từ nhập siêu, đến cân bằng và sang xuất siêu, chiếm tỷ lệ đáng kể trong nguồn thu ngân sách. Hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển doanh nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất công nghiệp, tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, các khu công nghiệp phát triển chưa cân đối giữa kinh tế, xã hội và môi trường. Theo kết quả khảo sát tại 118 khu công nghiệp theo 19 nhóm chỉ tiêu chính, do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam thực hiện, chỉ 39% khu công nghiệp có chính sách quản trị rủi ro để bảo đảm tuân thủ pháp luật về môi trường; 21% có chính sách quản trị rủi ro bảo đảm tuân thủ về xã hội; 10% có chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn; 13% có chính sách về chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, 50% khu công nghiệp chưa nghe đến khái niệm khu công nghiệp phát triển bền vững, 30% có nghe hiểu về khái niệm khu công nghiệp sinh thái. Chỉ có 20% hiểu rõ khu công nghiệp phát triển bền vững cần bảo đảm cân đối giữa kinh tế, môi trường, xã hội và quản trị.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, chỉ có 22% khu công nghiệp có chứng chỉ hệ thống quản lý quốc tế, trong khi 77% khu công nghiệp không có thông tin kiểm toán cấp doanh nghiệp về các mặt tài chính, xã hội và môi trường.

Gỡ vướng cơ chế

Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Vương Thị Minh Hiếu cho biết, Việt Nam đang chuyển đổi và xây dựng mới các khu công nghiệp theo hướng sinh thái, bền vững. Việc phát triển các khu công nghiệp bền vững bắt đầu từ sinh thái công nghiệp, chuyển đổi mô hình sản xuất theo nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn. Trong đó, hệ sinh thái công nghiệp được phát triển tự nhiên và sản phẩm đầu ra của quá trình sản xuất này có thể là đầu vào của quá trình sản xuất khác.

Tương tự, các sản phẩm phụ hay sản phẩm thải bỏ của một quá trình sản xuất cũng là nguyên liệu hữu ích cho một quy trình sản xuất khác. Khu công nghiệp sinh thái, bền vững là một trong những giải pháp thực hiện kinh tế tuần hoàn được lồng ghép vào Chiến lược thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2030, Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam...

Thực tế, việc chuyển đổi mô hình khu công nghiệp thông thường sang mô hình khu công nghiệp sinh thái sẽ đem đến nhiều lợi ích, nhằm cân bằng giữa kinh tế, môi trường và xã hội. Tuy nhiên, khi triển khai vẫn gặp nhiều rào cản: Các quy định hướng dẫn còn thiếu và chưa thống nhất; chi phí chuyển đổi hoặc xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái khá lớn…

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Đầu tư Sao Đỏ Trần Thị Tố Loan phản ánh: “Quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế yêu cầu phải có 20% doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế thực hiện sản xuất sạch hơn, nhưng không nêu cụ thể thế nào là sạch hơn, hay thế nào là sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn. Mặt khác, để làm được điều này theo hướng thay đổi công nghệ, dây chuyền, khu công nghiệp, các doanh nghiệp phải đầu tư nguồn tài chính lớn. Việc chưa có quy định cụ thể sẽ khó khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi”.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, khó khăn còn là khu công nghiệp có được thu hút các dự án tái chế để tái sử dụng tài nguyên hay không? Nếu thu hút thì phải thay đổi toàn bộ báo cáo tác động tài nguyên, môi trường, giấy phép hệ thống quan trắc.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Tuyến (Đại học Luật Hà Nội) cho rằng, thể chế, chính sách về khu công nghiệp chưa bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ và chưa có sự đột phá để phát huy vai trò của các khu công nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, chất lượng, hiệu quả quy hoạch phát triển khu công nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu… Do đó, các bộ, ngành liên quan, trên cơ sở quy định của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2024, cần soạn thảo, ban hành các quy định về phân khúc bất động sản công nghiệp.

“Cần xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động của khu công nghiệp, khu kinh tế… theo hướng xác định rõ trọng tâm phát triển cùng cơ chế, chính sách vượt trội về cơ sở hạ tầng, tiếp cận đất đai, thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, doanh nghiệp, xây dựng... Cùng với đó là các quy định bảo đảm phát triển đồng bộ và bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường..., phù hợp với đặc thù của từng mô hình và bảo đảm tính liên kết, đồng bộ với các khu vực khác”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Tuyến nêu.

cong-nghiep-1.jpg
Sản xuất thiết bị máy công nghiệp tại Công ty cổ phần Cơ khí chính xác và Chuyển giao công nghệ (Khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ). Ảnh: Nguyễn Quang

Chủ động để tăng tốc

Theo bà Vương Thị Minh Hiếu, thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rất nỗ lực để hình thành các mô hình khu công nghiệp mới theo định hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và đã thể chế hóa mô hình này tại các văn bản pháp quy. Với sự hỗ trợ của một số tổ chức quốc tế, Bộ đã triển khai hai giai đoạn phát triển khu công nghiệp sinh thái, tương tự như mô hình của Hàn Quốc.

Giai đoạn 1, thí điểm từ năm 2014 đến 2019 với 3 khu công nghiệp tại 3 tỉnh, thành phố đại diện cho ba miền, với những giải pháp can thiệp tại 72 doanh nghiệp trong khu công nghiệp, đạt được hiệu quả tiết kiệm tương đối lớn.

Giai đoạn 2, từ năm 2020 đến nay, triển khai tại các tỉnh, thành phố như Hải Dương, Hải Phòng, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, là những địa phương có mật độ khu công nghiệp rất lớn và điển hình về phát triển khu công nghiệp. Dự kiến giai đoạn này sẽ kết thúc vào năm 2024, để tiếp tục thực hiện giai đoạn 3 tại một số tỉnh, thành phố khác.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng hợp tác với một số tổ chức quốc tế thiết kế các dự án hỗ trợ nhân rộng mô hình khu công nghiệp sinh thái trên toàn quốc.

Việt Nam cũng đã tham khảo một số mô hình ở các khu vực như châu Âu, Mỹ và các quốc gia phát triển tại Đông Bắc Á. Tiêu biểu như mô hình của thành phố Kawasaki (Nhật Bản), một thành phố công nghiệp lớn. Chỉ trong 10 năm, họ đã thực sự chuyển mình từ thành phố công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề bởi ô nhiễm sang thành phố xanh, sạch thông qua việc tái chế, tái sử dụng và thực hiện kinh tế tuần hoàn mạnh mẽ ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, đặc biệt là những ngành nghề sản xuất phục vụ tiêu dùng.

Giám đốc Phát triển bền vững Frasers Property Việt Nam Ling Foong cho biết, hành trình phát triển của khu công nghiệp trải qua 4 giai đoạn chuyển đổi từ khu công nghiệp cơ bản thành mô hình công nghiệp đô thị vệ tinh thông minh để có thể đáp ứng các yếu tố sản xuất, sinh hoạt, nghỉ ngơi và giải trí. Các cơ sở công nghiệp của Frasers Property Việt Nam hướng tới vượt qua giai đoạn 2 và từng bước đạt tới giai đoạn 3 và 4 để kiến tạo các khu công nghiệp bền vững và thông minh; cung cấp dịch vụ khác trong khu công nghiệp như sân chơi thể thao ngoài trời, các không gian để người lao động và nhân viên nghỉ ngơi, thư giãn.

Các chuyên gia cho rằng, vai trò của UBND các tỉnh là rất quan trọng trong hỗ trợ đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong và ngoài hàng rào khu công nghiệp; kết nối và thực hiện các sáng kiến khu công nghiệp sinh thái, cũng như chuyển giao các công nghệ tiên tiến trong khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần hợp tác với nhau để sử dụng chung các hệ thống hạ tầng sản xuất, tái sử dụng nguyên liệu sản xuất; đồng thời có thể kết hợp với doanh nghiệp thứ ba (ngoài khu công nghiệp) trong hiện thực hóa các kết nối cộng sinh công nghiệp. Ban quản lý các khu công nghiệp tại các tỉnh, thành phố có thể giao cho một đơn vị công lập thực hiện các chức năng xây dựng, cung cấp thông tin, kết nối, tư vấn quá trình triển khai khu công nghiệp sinh thái.