Cẩn trọng với thông tin trên mạng xã hội
Vừa qua, Bộ Công an đã phải lên tiếng bác bỏ thông tin không chính xác liên quan đến lãnh đạo một ngân hàng thương mại.
Bộ Công an khẳng định, lãnh đạo ngân hàng này không nằm trong danh sách chú ý xuất, nhập cảnh hoặc cấm xuất cảnh. Mọi thông tin sai sự thật có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động bình thường của hệ thống tài chính - ngân hàng và sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.
Trước đó, trên một tài khoản mạng xã hội đưa tin, một lãnh đạo ngân hàng bị cấm xuất cảnh vì liên quan đến sai phạm của bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vạn Thịnh Phát. Ngay sau đó, ngân hàng đã khẳng định thông tin trên là bịa đặt, song ảnh hưởng của thông tin rất lớn. Gần như lập tức, trên sàn giao dịch chứng khoán, rất nhiều lệnh đặt bán cổ phiếu của ngân hàng này được đưa ra, giá cổ phiếu giảm mạnh.
Đây chỉ là một trong rất nhiều thông tin bịa đặt, không đúng sự thật lan truyền trên mạng xã hội gây ảnh hưởng tiêu cực đến cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.
Điều nguy hiểm là thông tin trên mạng xã hội thường không được kiểm chứng nhưng lan truyền rất nhanh, theo cấp số nhân nên hậu quả luôn khó lường. Đến khi có thông tin chính thức, thực hư rõ ràng thì nạn nhân của thông tin bịa đặt đã “thiệt đơn, thiệt kép”, thậm chí còn bị ảnh hưởng cả thời gian dài sau khi đã được minh oan.
Điều nguy hiểm nữa là không ít người vẫn thiếu cảnh giác đặt niềm tin vào các thông tin trên mạng xã hội, chưa kiểm chứng, xác minh đã vội chia sẻ, bình luận. Cũng có người không cần biết đúng, sai, thấy tin “hot” là chia sẻ ngay lập tức để câu view, câu like, thậm chí bình luận ác ý, “thêm mắm, thêm muối” nhằm tăng tương tác. Chính sự vô tình và cả cố tình này đã lan truyền, tiếp tay cho thông tin xấu, độc gây tổn hại tổ chức, cá nhân.
Trước hàng loạt các vụ việc tương tự như câu chuyện của vị lãnh đạo ngân hàng trên, lời khuyên đưa ra vẫn là cẩn trọng với mọi thông tin trên mạng xã hội. Mạng xã hội là một kênh thông tin nhưng không phải thông tin nào cũng chính xác. Vì vậy, mỗi người dùng mạng xã hội khi tiếp nhận thông tin nên có sự kiểm chứng nguồn tin, đánh giá, cân nhắc kỹ trước khi bình luận, chia sẻ. Trước hết, không để bị thông tin sai lệch dẫn dắt, dẫn đến hậu quả là bị cơ quan chức năng mời lên làm việc; sau nữa và nặng hơn là từ thông tin sai lệch dẫn đến hành động sai, vi phạm pháp luật. Người dùng mạng xã hội cần nắm rõ các nguyên tắc trên, dành thời gian suy nghĩ về hậu quả trước khi bấm nút chia sẻ, bình luận thông tin chưa kiểm chứng, không đúng sự thật.
Như câu chuyện của ngân hàng trên, hậu quả không chỉ đối với uy tín cá nhân lãnh đạo mà còn có thể là sự bất ổn đối với ngân hàng, ảnh hưởng đến cả hệ thống ngân hàng. Người dùng mạng xã hội cũng cần tăng cường trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội bằng cách chủ động cảnh báo thông tin không chính xác và gửi đến cơ quan chức năng đề nghị xác thực, xem xét thông tin.
Cùng với ý thức người sử dụng, cơ quan chức năng cần tăng cường rà quét thông tin trên mạng xã hội, kịp thời định hướng dư luận với thông tin mang tính chất nhạy cảm, có tác động lớn đến chính trị, kinh tế - xã hội, trật tự an ninh… Xử lý nghiêm mọi trường hợp đăng tải thông tin không chính xác, cố tình bịa đặt, bôi nhọ danh dự, xúc phạm tổ chức, cá nhân và công khai hình thức xử lý trên các kênh thông tin đại chúng và trên chính mạng xã hội lan truyền thông tin không chính xác. Sự vào cuộc quyết liệt, xử lý nghiêm minh của cơ quan chức năng chính là sự cảnh báo nghiêm khắc cho những ai còn thích đưa tin câu view, câu like, bất chấp đúng sai.