An ninh trật tự

Muôn kiểu “tái chiếm” vỉa hè

Nhóm phóng viên 08/04/2024 - 07:59

Sau hàng loạt đợt ra quân, tổng kiểm tra xử lý vi phạm nhằm lập lại trật tự đô thị, thời gian gần đây, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại Hà Nội lại diễn biến phức tạp. Đặc biệt sau giờ hành chính, tại nhiều tuyến đường nội đô, khu vực phố cổ… hành vi “tái chiếm” vỉa hè lại diễn ra tràn lan dưới nhiều cách thức.

via-he.jpg
Bán hàng lấn chiếm lòng lề đường tại số 240 phố Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng).

Đủ kiểu chiếm dụng không gian công cộng

Tối 4-4, có mặt tại khu vực Nhà thờ Lớn (phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm), phóng viên chứng kiến cảnh nhộn nhịp, ầm ĩ như một khu “chợ”. Vào ban ngày, khi lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra thì các tuyến phố tương đối được bảo đảm an ninh trật tự với các hàng bàn, ghế được bày ngay ngắn, giữ lối đi cho người đi bộ. Nhưng từ chiều tối đến đêm là lúc hàng quán tại đây... “bung lụa”. Vỉa hè và một phần lòng đường tại phố Nhà Thờ, Nhà Chung, quanh quảng trường Nhà thờ Lớn, bị các các quán trà chanh, quán kem, hàng ăn… kê bàn ghế lấn chiếm toàn bộ. Bất chấp biển cấm được đặt khắp nơi, tình trạng đỗ xe tràn lan vẫn diễn ra khiến người đi bộ, khách tham quan buộc phải đi xuống lòng đường. Tương tự, tại phố Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng), vào buổi tối, nhiều hàng quán ăn uống lại lấn chiếm vỉa hè. Trước đó, vào các đợt cao điểm xử lý vi phạm trật tự đô thị, nơi đây không xảy ra tình trạng trên.

Tại đường Xuân La (phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm), hàng trăm mét vỉa hè đoạn từ giáp cổng làng nghề truyền thống đến ngõ 38 phố Xuân La bị chiếm dụng từ sáng sớm đến đêm khuya khiến người dân khu vực bức xúc. Buổi sáng, vỉa hè tại đoạn đường này “mọc” lên loạt quán trà đá, trà chanh, bánh mì… Từ chiều tối đến đêm khuya là lúc các quán hàng ăn vặt như ốc luộc, nem chua rán, đồ nướng, nước ép hoa quả… hoạt động hết công suất. Toàn bộ vỉa hè biến thành nơi bán hàng, phục vụ thực khách ăn uống; một phần lòng đường biến thành nơi để xe. Dù lực lượng chức năng thường xuyên đi tuần tra, nhắc nhở nhưng tình trạng vi phạm trật tự đô thị, bán hàng quá giờ quy định tại đây vẫn tiếp diễn.

Tình trạng hàng ăn, quán nước biến vỉa hè, lòng đường thành điểm buôn bán trái quy định còn diễn ra quanh hồ Linh Đàm, hồ Đền Lừ và sân chơi tại các khu chung cư trên địa bàn phường Giáp Bát, Tân Mai và phường Đại Kim (quận Hoàng Mai). Theo tìm hiểu của phóng viên, việc người dân vi phạm đến quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường ở các địa bàn trên diễn ra đã nhiều năm nay. Để đối phó với việc kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng, phần lớn người buôn bán ở đây đã chế ra các loại xe đẩy, xe kéo có thùng phía sau. Mỗi khi phát hiện có lực lượng tuần tra đến thì họ nổ máy, lái xe đi, còn không thì tiện đâu dừng đấy khiến người tham gia giao thông gặp rất nhiều khó khăn mỗi khi qua lại.

Khảo sát thực tế trên địa bàn quận Tây Hồ, tại dọc phố Thụy Khuê hàng quán lấn chiếm vỉa hè. Đặc biệt, các hàng ăn, trong đó có các hàng cháo lòng ở cuối phố để cả biển bán hàng xuống lòng đường trong khi xe máy của khách cũng để ngay lòng đường, chiếm đáng kể diện tích lưu thông tại đây. Tình trạng này không chỉ gây nguy hiểm cho người đi bộ mà cả với những lái xe ô tô, xe máy đi qua đây. Việc này diễn ra hằng ngày nhưng cũng không bị cơ quan quản lý xử lý nghiêm minh.

Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm

Trao đổi việc chậm xử lý đối với hành vi vi phạm trật tự đô thị trên phố Đại Từ, Trung tá Nguyễn Văn Lợi, Phó Công an phường Đại Kim cho biết, do địa bàn rộng, trong khi lực lượng tuần tra mỏng, hằng ngày phải kiêm nhiệm nhiều công việc nên không thể duy trì thường xuyên việc kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở người buôn bán chấp hành quy định pháp luật. Bên cạnh đó, còn do tốc độ đô thị hóa, mật độ xây dựng nhà chung cư ở địa phương đang phát triển mạnh, nhưng phần do ý thức chấp hành quy định pháp luật về đô thị, an toàn giao thông của người dân còn hạn chế, phần vì mục đích mưu sinh, kiếm lời nên vẫn cố tình vi phạm. Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra, từ đầu năm 2024 đến nay Công an phường đã phối hợp với Công an quận Hoàng Mai xử phạt vi phạm hành chính đối với 46 trường hợp vi phạm, thu về ngân sách nhà nước hơn 30,8 triệu đồng.

Đồng quan điểm, Thiếu tá Nguyễn Tài Nghĩa, Phó Trưởng Công an phường Hàng Trống cho biết, quân số Công an phường chỉ vẻn vẹn 21 người nhưng luôn phải “căng” mình quản lý tất cả các công việc như bảo đảm an ninh trật tự; ứng trực phân luồng giao thông; tuần tra đêm phòng chống trộm cắp, đua xe… “Tiếp nhận thông tin từ Báo Hànộimới, chúng tôi sẽ kiểm tra, nhắc nhở các chủ cửa hàng tại đây thực hiện nghiêm quy định”, Thiếu tá Nghĩa cho biết.

Theo luật sư Nguyễn Hồng Liên, Công ty Luật quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức khi có hành vi bán hàng rong, hàng hóa nhỏ lẻ khác ngay trên lòng đường đô thị hoặc trên phần vỉa hè của các tuyến phố có quy định cấm bán hàng. Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với cá nhân và từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng đối với tổ chức khi có hành vi sử dụng trái phép lòng đường, hè phố để họp chợ, bày bán hàng hóa, kinh doanh dịch vụ ăn uống… Đây là mức phạt khá cao, đủ sức răn đe. Quan trọng nhất là lực lượng chức năng phải xử lý vi phạm và áp dụng nghiêm mức phạt. Nếu lực lượng chức năng kiên quyết, thực hiện nghiêm việc kiểm tra, xử phạt các trường hợp tận dụng vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, buôn bán như các trường hợp nêu trên, chắc chắn tình trạng tái chiếm vỉa hè, lòng đường sẽ giảm đi đáng kể.