“Hồi sinh” những dòng sông bị ô nhiễm:Triển khai nhiều giải pháp
Hệ thống sông dày đặc ở Hà Nội có giá trị lịch sử, văn hóa, phục vụ đa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, điều hòa không khí, tiêu thoát nước... Tuy nhiên, do quá trình đô thị hóa, gia tăng dân số…; các dòng sông đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến mọi mặt đời sống xã hội. Khắc phục tình trạng này, thời gian qua, thành phố Hà Nội tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm “hồi sinh” những dòng sông.
Nước sông ô nhiễm trầm trọng
Sông Tô Lịch có chiều dài hơn 14km, bắt nguồn từ phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), đổ ra sông Nhuệ - đoạn xã Hữu Hòa (huyện Thanh Trì). Dòng sông này luôn gắn bó với đời sống cư dân nội thành, mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa. Đáng tiếc, trong vài thập niên gần đây, sông Tô Lịch bị ô nhiễm nghiêm trọng. Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trung bình mỗi ngày, sông Tô Lịch phải tiếp nhận khoảng 160.000m3 nước thải sinh hoạt. Hầu hết lượng nước thải này không được xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn đã xả trực tiếp ra sông.
Bà Nguyễn Thị Thu ở phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy) gắn bó với dòng sông hơn 50 năm cho biết, chưa bao giờ dòng sông Tô Lịch lại ô nhiễm như vậy. Vào những ngày nắng nóng, dòng sông nổi váng, nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối nồng nặc. “Có thời điểm, các cơ quan chức năng tiến hành nạo vét bùn đất, làm bè thủy sinh, sử dụng công nghệ nano-bioreactor xử lý nguồn nước nhưng dòng sông vẫn bị ô nhiễm”, bà Nguyễn Thị Thu nói.
Tương tự, những dòng sông khác như: Kim Ngưu, Lừ, Sét, Nhuệ, Đáy... cũng trở thành nơi chứa nước thải, lắng đọng bùn đất, rác thải, ô nhiễm hàng chục năm nay. Cụ thể, kết quả quan trắc chất lượng nguồn nước trên sông Nhuệ của Viện Quy hoạch thủy lợi (Bộ NN&PTNT) công bố ngày 4-4-2024 cho thấy, không có vị trí nào trên dòng sông Nhuệ có chất lượng nước đạt quy chuẩn Việt Nam (QCVN 08:2023). Các vị trí đo có hàm lượng chất hữu cơ trong nước vượt giới hạn từ 2 đến 9 lần; hàm lượng amoni vượt giới hạn 11 lần…
Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Nhuệ Ngô Thanh Sơn, chất lượng nguồn nước sông Nhuệ có mức độ ô nhiễm cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp nước sản xuất nông nghiệp của 9 quận, huyện thuộc thành phố Hà Nội và 3 huyện, thành phố thuộc tỉnh Hà Nam. Nguyên nhân khiến nguồn nước sông Nhuệ trở nên độc hại là do hai bên lưu vực có khoảng 1.000 điểm xả nước thải chưa qua xử lý, chảy trực tiếp vào dòng sông. Ngoài ra, hằng năm, sông Nhuệ không được bổ sung nguồn nước từ sông Hồng nên không thể rửa trôi các chất gây ô nhiễm...
Cần các giải pháp cấp bách
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, Trưởng ban Điều hành mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho biết, để có thể “hồi sinh” các sông trên địa bàn thành phố, trước tiên, cần xác định căn nguyên gây ô nhiễm và lượng nước thải để có giải pháp khả thi, phù hợp từng giai đoạn...
Còn một số chuyên gia môi trường cho rằng, Hà Nội cần có cách tiếp cận tổng hợp, đồng bộ trên các lĩnh vực như: Điều chỉnh quy hoạch thoát nước phù hợp chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2050; xây dựng hệ thống hạ tầng quản lý nước thải đô thị đủ năng lực đáp ứng nhu cầu thu gom, xử lý nước thải của thành phố nhằm kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường nước mặt sông. Song hành, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các trạm, nhà máy xử lý nước thải quy mô lớn, hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, làng nghề vào khu xử lý đạt quy chuẩn trước khi xả ra môi trường; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý hành vi vi phạm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; kiên quyết di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường…
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Minh Tấn cho biết, việc phục hồi chất lượng nước, môi trường và cảnh quan các dòng sông được thành phố Hà Nội xác định là nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn 2020-2025. Những năm qua, các sở, ngành tích cực vào cuộc, tham mưu với thành phố triển khai nhiều giải pháp hạn chế ô nhiễm môi trường nói chung và cải thiện chất lượng nước mặt các dòng sông nói riêng. Trong đó, thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng Đề án “Phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông: Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét”, phối hợp các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất giải pháp “hồi sinh” sông Nhuệ, sông Đáy…
Đặc biệt, trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được HĐND thành phố thông qua cũng nhấn mạnh đến vấn đề bảo vệ môi trường, giải quyết triệt để ô nhiễm sông Tô Lịch, trả lại hình ảnh dòng sông xanh, sạch, gắn liền với văn hóa, lịch sử Thủ đô; xử lý ô nhiễm môi trường các sông: Nhuệ, Đáy, Lừ, Sét... nhằm bảo đảm nguồn nước tưới an toàn cho nông nghiệp, tạo không gian xanh cho phát triển đô thị.
Để thực hiện những mục tiêu trên, ngoài các giải pháp đang triển khai, nhiều chuyên gia đề xuất, thành phố Hà Nội xây dựng đập dâng trên hệ thống sông Hồng, sông Đuống để nâng mực nước các sông lên cao trình nhất định nhằm cải thiện khả năng lấy nước vào hệ thống thủy lợi, làm sống lại các dòng sông. Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định, khi nước sông Hồng dâng lên sẽ giúp sông Nhuệ, sông Đáy, thậm chí sông Tô Lịch cũng có dòng chảy thường xuyên, khắc phục tình trạng suy kiệt nguồn nước, trả lại khả năng tự làm sạch chất gây ô nhiễm của các dòng sông…