Thêm hiểu về Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương
Cuốn sách “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam” do GS.TS Tạ Ngọc Tấn và PGS.TS Vũ Trọng Lâm đồng chủ biên, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa ra mắt, đưa người đọc về với lịch sử, cội nguồn dân tộc, với Ngày Giỗ tổ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng.
Qua đó, giúp độc giả thêm hiểu về giá trị độc đáo của tín ngưỡng đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
GS.TS Tạ Ngọc Tấn, người con của đất Phú Thọ, đồng chủ biên cuốn sách “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam” khẳng định: “Trên thế giới có nhiều tộc người, nhiều quốc gia thờ cúng tổ tiên ở các mức độ và dạng thức khác nhau, nhưng thờ cúng Hùng Vương dưới dạng thờ Quốc tổ thì chỉ có ở người Việt và ở Việt Nam”. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ là dạng thức độc đáo trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam từ xa xưa mà còn là biểu tượng văn hóa thiêng liêng của lòng yêu nước, nghĩa đồng bào, được phát triển, nâng cao thành chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân văn Việt Nam; được phổ cập và lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng người Việt trong và ngoài nước. Chính vì thế, ngày 6-12-2012, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Cuốn sách “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam” là một công trình nghiên cứu giàu trí tuệ với hơn 20 bài viết tâm huyết của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học uy tín của Việt Nam. Trong phần I “Lịch sử và ý nghĩa của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”, các tác giả đi sâu về nguồn gốc lịch sử, ý nghĩa, giá trị văn hóa của tín ngưỡng độc đáo này từ nhiều góc độ. PGS.TS Đỗ Lan Hiền đưa người đọc về “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương: Truyền thuyết và sự thật lịch sử về thời đại Hùng Vương”. GS.TS Lê Hồng Lý, PGS.TS Vũ Trọng Lâm, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Đức mang đến cái nhìn về tín ngưỡng trong lịch sử và hiện nay… Các bài viết làm sáng tỏ lịch sử hình thành và ý nghĩa của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam thông qua kho tàng di sản Hán Nôm, các văn bản thư tịch cổ và kết quả nghiên cứu của ngành Khảo cổ học...
Đặc biệt, cuốn sách đặt trọng tâm vào vấn đề tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị của tín ngưỡng này với những bài viết nổi bật trong phần II “Bảo tồn và phát huy giá trị của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương hiện nay”. Trong đó, PGS.TS Nguyễn Phú Lợi phân tích “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương: Đặc trưng cơ bản và các giá trị cần phát huy”. PGS.TS Đặng Văn Bài nêu rõ “Thông điệp văn hóa từ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng”... Bên cạnh đó, trong cuốn sách, độc giả cũng được biết thêm những câu chuyện thú vị về việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại thành phố Hồ Chí Minh và các vùng phụ cận; việc xây dựng Đền Hùng và thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người Việt Nam ở thành phố San Jose (California, Hoa Kỳ)…
Theo GS.TS Tạ Ngọc Tấn, cuốn sách được biên soạn còn hướng tới truyền bá Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tới bạn bè quốc tế; đánh giá rõ thêm các di tích Đền thờ vua Hùng trên phạm vi cả nước để có kế hoạch trùng tu, tôn tạo nơi thờ tự cho trang nghiêm và xứng tầm; sưu tầm, chuẩn hóa điển tích, trình tự nghi lễ thờ cúng Hùng Vương, tạo sự thống nhất trong cả nước; xây dựng các giải pháp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của nhân loại với trường hợp Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ…