Thế giới

Argentina đối mặt nguy cơ khủng hoảng kép

Quỳnh Dương 07/04/2024 10:00

Trong một nỗ lực nhằm cắt giảm chi tiêu, chấm dứt tình trạng thâm hụt ngân sách trầm trọng, Tổng thống Argentina Javier Milei vừa sa thải thêm 15.000 người lao động tại các đơn vị công.

Động thái này đã thổi bùng cơn thịnh nộ trong các nghiệp đoàn lao động và có thể làm gia tăng làn sóng đình công. Khi nền kinh tế vẫn chìm sâu trong khủng hoảng, bất ổn xã hội leo thang sẽ khiến quốc gia Nam Mỹ này đối mặt với một cuộc khủng hoảng kép đáng lo ngại.

argentina-dang-lun-sau-vao-.jpg
Argentina đang lún sâu vào cuộc khủng hoảng kinh tế với mức lạm phát 276,2%, cao nhất trong vòng 3 thập kỷ qua. Ảnh: Reuters

Cùng với 15.000 người lao động vừa bị sa thải như kể trên, trước đó, sau khi nhậm chức vào tháng 12-2023, Tổng thống Javier Milei đã loại bỏ 9.000 việc làm của người lao động. Như vậy, chỉ trong vòng 3 tháng, đã có ít nhất 24.000 người lao động tại Argentina bị mất việc. Tuy nhiên, đây có thể chưa phải là đợt sa thải cuối cùng bởi có nhiều nguồn tin cho biết, ông Javier Milei sẽ tiếp tục triển khai những đợt cắt giảm việc làm mới vào giữa năm nay.

Không ai biết chắc bao nhiêu việc làm sẽ bị cắt giảm, cũng như ai sẽ bị sa thải. Điều này có nghĩa, khoảng 50.000 người lao động đang phải sống trong tâm trạng thấp thỏm. Hầu hết những người này đều làm việc theo hợp đồng tạm thời, được gia hạn mỗi năm một lần. Vì vậy, dù không nằm trong danh sách bị sa thải lần này nhưng không ai dám chắc trong 3 hoặc 6 tháng nữa, tương lai sẽ đi về đâu. Nhiều công chức nhà nước bị sa thải đã cố gắng tìm việc làm trong khu vực tư nhân, nhưng hầu như không thành công.

Argentina đang lún sâu vào cuộc khủng hoảng kinh tế và hầu hết các doanh nghiệp đều cắt giảm lực lượng lao động. Theo thống kê mới nhất, tháng 1 vừa qua, hoạt động kinh tế đã giảm 4,3% so với bình quân tháng của 12 tháng trước đó. Đây là mức suy giảm tồi tệ nhất kể từ đại dịch Covid-19 kết thúc. Lạm phát vẫn ở mức cao nhất trong vòng 3 thập kỷ qua (ở mức 276,2%) và được dự đoán sẽ tăng mạnh trong tháng 4 này. Tỷ lệ hộ nghèo lên tới 57,4% trong tháng 1, mức cao nhất trong 20 năm qua. Ngày càng có nhiều gia đình không đủ tiền để trang trải kinh phí cho con đi học hoặc mua thuốc men, lương thực. Đời sống của người dân Argentina đứng trước viễn cảnh đáng lo ngại.

Nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra để phản đối chính sách của Tổng thống Javier Milei. Ngày 6-4, các công chức chính phủ liên kết với Hiệp hội Công nhân Nhà nước (ATE) tổ chức một cuộc đình công kéo dài 24 giờ trên toàn quốc để phản đối việc sa thải hàng chục nghìn lao động. Các nhà hoạt động yêu cầu chính phủ phục hồi chức vụ cho tất cả những người đã bị sa thải và tăng lương cho công chức. Cuộc đình công ảnh hưởng đến một số dịch vụ. Nhiều văn phòng của chính phủ bị đóng cửa hoặc hạn chế hoạt động. ATE tuyên bố việc sa thải hàng loạt nhân sự là bất hợp pháp vì quyết định này đang làm suy yếu các dịch vụ công cơ bản. Tổ chức Công đoàn CGT cũng đang lên kế hoạch cho các cuộc tuần hành đúng vào Ngày Quốc tế lao động 1-5 cùng với một cuộc tổng đình công để thể hiện đoàn kết với ATE.

Theo kế hoạch, Tổng thống Javier Milei dự định cắt giảm 15-20% nhân sự trong cơ quan nhà nước (tương đương 70.000 người) với lập luận rằng, Argentina là “một quốc gia nghèo khó” với bộ máy quá cồng kềnh và hoạt động kém hiệu quả. Trả lời về đợt cắt giảm việc làm mới nhất vào cuối tháng 3 vừa qua, Người phát ngôn Phủ Tổng thống Manuel Adorni cho biết, đây là "chìa khóa" cho kế hoạch cải tổ khu vực công của Argentina và cũng là cam kết mà Tổng thống Javier Milei đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử. Đồng thời, ông Manuel Adorni mô tả, những lao động nằm trong danh sách bị sa thải là lực cản đối với người nộp thuế.

Tính đến giữa năm 2023, Argentina đứng thứ 7 trong danh sách các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (sau Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Iceland, Phần Lan, Pháp) về tỷ lệ nhân viên nhà nước trên số người có việc làm. Tuy nhiên, quốc gia này xếp ở vị trí thấp trong bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới về đo lường hiệu quả hoạt động của chính phủ (41,9/100)...

Theo các nhà phân tích, chính sách cứng rắn của Tổng thống Javier Milei có thể tiếp tục đẩy căng thẳng xã hội leo thang. Cắt giảm việc làm hàng loạt sẽ gây ra những tác động sâu sắc tới các chương trình xã hội và khiến tình trạng nghèo đói ngày càng gia tăng. Nói cách khác, cân bằng giữa thâm hụt ngân sách và ổn định xã hội là một “bài toán” không dễ dàng. Cuộc đối đầu giữa lực lượng lao động và chính phủ có thể làm chệch hướng nỗ lực của Tổng thống Javier Milei nhằm đưa mức thâm hụt ngân sách về bằng 0 vào cuối năm nay.