Tăng hậu kiểm an toàn thực phẩm
Để bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tăng cường tuyên truyền, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm, tuy nhiên, số vụ vi phạm vẫn còn nhiều. Trong quý I vừa qua cả nước đã xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 659 người bị ngộ độc (tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023).
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, quy trình sản xuất, chế biến thực phẩm lạc hậu.
Việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm tập trung còn chậm. Công tác xây dựng cơ sở kiểm soát an toàn dịch bệnh chưa được chú trọng. Bên cạnh đó, thói quen lạm dụng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp không đúng quy trình, không rõ nguồn gốc còn khá phổ biến. Hoạt động của Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm cấp xã, phường còn nhiều bất cập bởi không có thiết bị chuyên dụng để kiểm tra, phát hiện vi phạm về an toàn thực phẩm; năng lực hậu kiểm còn hạn chế, thiếu hụt lực lượng triển khai, nhất là ở cấp quận, huyện, cơ sở…
Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, trong Thông báo số 16/TB-VPCP (ngày 17-1-2024) của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm đã nhấn mạnh yêu cầu tăng cường hậu kiểm thay cho tiền kiểm trong công tác quản lý an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, lực lượng quản lý nhà nước cần tập trung thanh tra, kiểm tra trong các lĩnh vực có nguy cơ cao, có thể tác động lớn đối với sức khỏe người dân.
Tại Hà Nội, mới đây, ngày 1-4-2024, Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố cũng đã ban hành Kế hoạch số 99/KH-BCĐCTATTPTP về triển khai công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024. Theo đó, các cơ quan chức năng, địa phương cần tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm từ thành phố đến cơ sở, thông qua hoạt động hậu kiểm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.
Để thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của trung ương và thành phố, thời gian tới, các sở, ngành, địa phương cần tăng cường kiểm tra, hậu kiểm tra về an toàn thực phẩm. Nhiệm vụ này phải làm thường xuyên, liên tục. Công tác thanh tra, kiểm tra cần được triển khai theo hướng tập trung vào những vụ việc, địa bàn cụ thể, hạn chế dàn trải; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm vi phạm và công khai kết quả xử lý trên phương tiện thông tin đại chúng để bảo đảm tính răn đe, đồng thời cảnh báo người tiêu dùng.
Cơ quan chức năng cũng cần kịp thời đánh giá việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, nhập khẩu, bảo quản, vận chuyển thực phẩm; đặc biệt là đánh giá chất lượng bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, trường học, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn và an toàn thực phẩm tại lễ hội, sự kiện lớn, hộ kinh doanh thức ăn đường phố.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, ban hành các quy định, quy trình quản lý, quy chuẩn kỹ thuật nhằm hài hòa với các quy định của quốc tế về bảo đảm an toàn thực phẩm; đề cao và phát huy vai trò tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với sản phẩm của mình; có biện pháp hiệu quả trong giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, tuyệt đối không để thực phẩm không bảo đảm an toàn lưu thông trên thị trường.