Tâm lý gây ảnh hưởng đến các bệnh nền mạn tính
Bệnh tật ảnh hưởng đến tâm lý và tâm lý ảnh hưởng đến bệnh tật là vấn đề nhiều nhà khoa học đã chứng minh. Tuy nhiên, ít người biết rằng tâm lý ảnh hưởng nghiêm trọng ra sao đến một số bệnh mạn tính như tim mạch, đái tháo đường... thông qua sự thay đổi hormone, hành vi ăn uống, sinh hoạt.
Tâm lý “chán chường” khiến nhiều bệnh lý diễn biến bất thường
Thông thường, một số bệnh như tắc nghẽn phổi mạn tính (COPD), tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm gan, bệnh tim... được gọi là mạn tính khi tình trạng kéo dài dai dẳng và tồn tại trong cả cuộc đời người bệnh. Một số bệnh mạn tính phổ biến hiện không có hướng điều trị dứt điểm bằng thuốc hay phương pháp phòng ngừa bằng vắc xin, bệnh nhân càng không thể tự khỏi bệnh. Do vậy, người mắc bệnh mạn tính cần phải “sống chung với lũ” cùng sự đồng hành, hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Các chu kỳ của bệnh mạn tính có thể xảy ra liên tục bao gồm đợt ổn định và đợt cấp trên nền mạn tính.
Chính do đặc điểm của bệnh lý mạn tính có quá trình điều trị kéo dài, khó có cách điều trị dứt điểm nên đã gây nhiều phiền toái, mệt mỏi kèm tâm lý chán nản buộc phải “sống chung với lũ” của bệnh nhân. Không ít trường hợp bệnh nhân cảm thấy bế tắc, khó chịu, trầm cảm, cô đơn, thậm chí là tuyệt vọng, đặc biệt là đối với người cao tuổi. Gánh nặng chi phí trong điều trị cũng là vấn đề khiến nhiều người mắc bệnh mạn tính thêm lo lắng. Vì không thể điều trị được dứt điểm nên bệnh nhân phải tốn rất nhiều tiền từ ngày này qua tháng nọ để chi trả cho việc thăm khám, thuốc men cho các bệnh mạn tính.
Bác Nguyễn Thị Lợi (60 tuổi, quận Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Tôi mắc bệnh tim đã nhiều năm nay. Vì thế tôi thường xuyên lo lắng những chuyện liên quan đến bệnh tật. Nếu không chữa được thì gia đình mình, con cái mình sẽ ra sao bởi chi phí chữa bệnh rất đắt đỏ, gia đình đã tốn kém nhiều tiền trong khi con cái trưởng thành còn phải lo toan chuyện tương lai”. Chính những lo lắng đó làm bác Lợi thay đổi tính tình, cảm xúc, dễ mủi lòng hơn, hay cáu gắt hơn, thiếu nhiệt huyết và giảm lòng tin vào các liệu pháp trị liệu. “Tôi cũng thường xuyên mất ngủ và luôn có suy nghĩ bỏ dở quá trình điều trị khiến bệnh càng thêm nặng. Cũng may, sự động viên kịp thời của gia đình giúp tôi hiểu ra chống lại bệnh mạn tính là một cuộc chiến dai dẳng, nếu không kiên cường nó sẽ vắt kiệt ý chí chiến đấu của người bệnh” - bác Lợi chia sẻ.
Giữ tâm lý ổn định tránh xa stress
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã tiếp nhận trường hợp nữ bệnh nhân 50 tuổi nhập viện trong tình trạng nói ngắt quãng, thở nhanh, sâu và nôn ói. Kết quả xét nghiệm glucose máu của bệnh nhân cao gấp 6 lần bình thường, được chẩn đoán nhiễm toan ceton (biến chứng đái tháo đường). Bác sĩ chuyên khoa II Trang Hồng Thùy Dương, khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (ICU), Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, bệnh nhân bị đái tháo đường và đã điều trị thuốc uống 27 năm. Tuy nhiên, bệnh nhân này không theo dõi đường huyết thường xuyên, có lúc bỏ bữa, không sử dụng thuốc uống điều trị đái tháo đường đều đặn, kèm tình trạng căng thẳng/stress trong cuộc sống dẫn đến nhiễm toan ceton (acid trong máu tăng cao).
“Nếu không được điều trị, bệnh nhân có thể rơi vào hôn mê, phù não, tổn thương thận cấp, rối loạn điện giải như hạ kali máu nặng cũng gây tử vong. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn đối diện một số biến chứng hiếm gặp khác như phù phổi, xuất huyết tiêu hóa, viêm tụy cấp” - bác sĩ Thùy Dương cho biết.
Theo lời kể của bệnh nhân, chị là giáo viên trung học cơ sở nên thời gian này, chị rơi vào stress vì lo lắng cho kết quả thi của các học sinh của mình. Do tâm lý stress đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến bệnh mạn tính, cơ thể bệnh nhân thường xuyên thấy mệt mỏi, đo đường huyết thấy tăng cao, có khi lên tới 210 mg/dl.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ Bệnh viện Tâm Anh, các bệnh nhân mắc các bệnh lý nền mạn tính cần cố gắng sắp xếp công việc để giảm bớt căng thẳng, ăn uống điều độ, tuân thủ chế độ ăn dinh dưỡng phù hợp và không bỏ thuốc điều trị. Bởi các vấn đề sức khỏe tâm lý có thể tác động lên tình trạng bệnh thông qua sự thay đổi hormone, hành vi ăn uống, sinh hoạt do tâm trạng thay đổi.
Như trường hợp của bệnh nhân mắc đái tháo đường trên, căng thẳng/stress có tác động đáng kể đến chức năng trao đổi chất, dẫn đến giải phóng catecholamine và tăng nồng độ glucocorticoid trong máu làm kháng insulin khiến việc kiểm soát đường huyết ở người bệnh đái tháo đường khó khăn hơn; các yếu tố khác như ăn uống không điều độ hoặc mất kiểm soát, không tập thể dục, thức khuya... cũng khiến việc điều trị không có hiệu quả tốt, có khả năng gây ra các biến chứng bệnh đái tháo đường.