Cà phê cuối tuần: Tự hào đi cùng trách nhiệm
Mới đây, Chính phủ đã đồng ý gửi hồ sơ đệ trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) xem xét, đưa di sản văn hóa phi vật thể mo Mường vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, và nghệ thuật chèo vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trong đó, mo Mường là hoạt động diễn xướng dân gian đặc sắc, được thể hiện trong các nghi lễ gắn với đời sống tín ngưỡng tâm linh của người Mường. Còn nghệ thuật chèo, ra đời từ thế kỷ X là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian độc đáo và giữ vị trí quan trọng trong đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Việt.
Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Việt Nam có mặt trong top 10 quốc gia có số di sản văn hóa phi vật thể nhiều nhất được UNESCO vinh danh với 15 di sản văn hóa phi vật thể. Đồng thời, hiện Việt Nam đã chuẩn bị hồ sơ để UNESCO phê duyệt vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể thêm 13 di sản. So với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, có thể nói, chúng ta có mật độ khá đậm đặc các di sản giá trị, không chỉ là những viên ngọc quý của quốc gia mà là tài sản quý của nhân loại. Những di sản độc đáo này chính là minh chứng cho bề dày văn hóa, cho truyền thống sáng tạo không ngừng của dân tộc. Đây thực sự là một niềm tự hào!
Tuy nhiên, bên cạnh niềm tự hào, chúng ta càng phải thấy rõ hơn trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ và phát huy di sản của cha ông trong thời đại mới, đặc biệt là với các di sản nằm trong Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Bảo vệ di sản phi vật thể không có nghĩa chỉ là tư liệu hóa, bảo tàng hóa nó mà phải đảm bảo di sản văn hóa phi vật thể là một phần cuộc sống của thế hệ hiện tại và sẽ được truyền dạy sang các thế hệ tương lai. Có rất nhiều việc phải làm, từ chăm lo cho nghệ nhân - báu vật nhân văn sống - người lưu giữ và sẽ truyền dạy, phát triển di sản cho các thế hệ sau, đến việc làm sao để di sản tiếp tục phát huy vai trò trong đời sống hiện đại... Với kinh nghiệm đã có, chúng ta tin tưởng rằng Việt Nam có thể biến niềm tự hào có số lượng lớn di sản phi vật thể tầm cỡ nhân loại trở thành động lực để bảo tồn và phát huy hiệu quả.