Những chiến sĩ cứu nạn, cứu hộ trên sông
Dấn thân vào lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông đồng nghĩa đối mặt với nhiều gian khó mỗi ngày. Công việc của các cán bộ, chiến sĩ giữa lửa cháy bỏng rát hay dưới sông sâu tối tăm, đều cần đến lòng quả cảm, bản lĩnh, tinh thông nghiệp vụ.
Lao vào lằn ranh sinh tử, họ chỉ tâm niệm mình là chỗ dựa để đưa nhiều người trở về với cuộc sống quý giá.
Cứu người trên miệng "tử thần"
Cuối năm 2017, Đội Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) được thành lập. Các cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đều đã từng tham gia dập lửa, cứu người trong nhiều vụ hỏa hoạn. Khi bước vào mặt trận mới, họ được ví như những người “thắp lửa” trên sông.
Trụ sở Đội nằm ngay mom sông Hồng, dưới chân cầu Vĩnh Tuy, thuộc địa bàn quận Hai Bà Trưng. Dòng sông Hồng bình yên chảy qua thành phố Hà Nội, dù đẹp nhưng vẫn luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Mới đây thôi, vào 17h45 ngày 29-3, khi cơm đơn vị vừa bày lên mâm, các cán bộ, chiến sĩ nhận được tin báo từ Trung tâm Thông tin chỉ huy, Công an thành phố Hà Nội, về việc có người nhảy cầu Long Biên tự tử. Chỉ huy Đội lập tức cử 7 cán bộ, chiến sĩ dùng ca nô đến hiện trường, phối hợp cùng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an quận Long Biên) tìm kiếm. “Sông Hồng đang vào mùa cạn, thời tiết lúc nhá nhem tối ngày giao mùa hay có sương mù cản trở tầm nhìn. Với hy vọng kịp thời cứu được nạn nhân, ca nô chở chúng tôi đi với tốc độ cao nhất cho phép đến khu vực hiện trường...”, Đại úy Đỗ Văn Ánh, cán bộ ứng trực hôm đó nhớ lại.
Thiếu tá Bùi Duy Long, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông kể thêm, rất may sự việc xảy ra khi trời vẫn còn sáng nên việc xác định vị trí nạn nhân dễ dàng. Trinh sát nhảy xuống sông tiếp cận mục tiêu thuận lợi. Sau khi xác định nạn nhân vẫn còn sống, đang bám vào khu vực trụ giữa cầu Long Biên, tổ công tác nhanh chóng triển khai ứng cứu. Nạn nhân được đưa lên ca nô an toàn, sơ cứu ban đầu, rồi tiếp tục chuyển vào Bệnh viện trung ương Quân đội 108.
“Khi chúng tôi tiếp cận đến nơi, nam thanh niên chưa đầy 20 tuổi đã rất yếu, mắt lờ đờ, người mềm nhũn. Nếu chúng tôi đến chậm vài phút nữa thì khả năng cứu sống được người này rất khó", Binh nhất Huỳnh Tiến Đạt, người trực tiếp lao xuống sông đưa nạn nhân lên ca nô nói.
Đó chỉ là một trong nhiều chiến công giành lại sự sống cho người dân ngay trên miệng "tử thần" mà cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông thực hiện trong nhiều năm qua. Trong đơn vị vẻn vẹn với gần 25 cán bộ, chiến sĩ, Đại úy Hoàng Xuân Dũng, người được mệnh danh “khắc tinh cướp cơm của Hà Bá” đã nhiều lần trực tiếp lao xuống dòng nước xiết cứu người. Đó là tình huống cứu được cháu bé 12 tuổi, do không kiểm soát được cảm xúc đã để lại xe đạp điện trên cầu Thanh Trì, vai còn đeo ba lô, nhảy xuống sông tự vẫn. Hay lần cứu được người phụ nữ nhảy cầu Chương Dương ngay đoạn bãi giữa sông Hồng vào trưa nắng. Nạn nhân may mắn thoát chết, tỉnh táo nhưng bị đa chấn thương được sơ cứu, nẹp tay chân… trước khi chuyển vào bệnh viện. Mỗi câu chuyện cụ thể được nhắc lại như thế, Đại úy Hoàng Xuân Dũng lại một lần nhắc mình, khi xuống dòng nước mênh mông phải tuyệt đối tuân thủ chiến thuật tập thể và mệnh lệnh của chỉ huy, để bảo đảm an toàn cho bản thân và đồng đội, cũng là để hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất.
“Nguyên tắc cứu nạn, cứu hộ trên sông là tuân thủ triển khai đội hình lặn theo dây, vừa giúp việc tìm kiếm sẽ phủ kín được khu vực dưới đáy sông, vừa bảo đảm an toàn cho các chiến sĩ. Khi gặp sự cố, các chiến sĩ sẽ giật dây để đồng đội biết, hỗ trợ kịp thời”, Đại úy Hoàng Xuân Dũng chia sẻ.
Vì bình yên quý giá
Xác định “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường không đổ máu", công việc hằng ngày của cán bộ, chiến sĩ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông là không ngừng luyện rèn. Việc tập luyện được duy trì với thời gian biểu từ 8h30 đến 11h và từ 14h đến 16h hằng ngày. Đầu tiên là các bài tập thể lực, từ cơ bản đến chuyên sâu. Tiếp đó là các bài tập dưới nước như kỹ năng bơi, lặn, triển khai đội hình lặn bao gồm lặn càng, lặn com pa, lặn zic zắc… Ngoài ra, họ liên tục thực hiện các buổi diễn tập tại nhiều đoạn sông, nhánh sông khác nhau nhằm làm quen với dòng chảy, địa hình để ứng phó tốt nhất với những tình huống có thể xảy ra trong thực tế. Các chiến sĩ phải vượt qua được những bài kiểm tra về thể lực, kỹ thuật bơi, lặn, cứu người… để có thể sẵn sàng tham gia chiến đấu.
Đại úy Cao Hồng Hải cho biết, khi lặn xuống một độ sâu nhất định thì xung quanh tối đặc, dù được trang bị đèn chiếu sáng cỡ mấy cũng chỉ nhìn được trong phạm vi 1m. Ban ngày dưới đáy nước cũng không khác nào ban đêm, miệng ngậm ống thở, chỉ có thể cảm nhận bằng tay, chân và cơ thể. Biết bao nguy cơ xảy ra trong môi trường tối đen, không thể kiểm soát như thế.
“Khi lặn vào những ngày mùa đông, anh em trên bờ thường đốt củi sẵn, hỗ trợ đồng đội sưởi ấm ngay lập tức thì mới chống chọi được cái rét thấu xương”, Đại úy Cao Hồng Hải chia sẻ.
Đặc thù công việc của các cán bộ, chiến sĩ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông là không có giờ giấc. Bất kể ngày, giờ, không phân biệt lễ, Tết hay ngày thường, kể cả lúc đang được nghỉ, khi có lệnh, các cán bộ, chiến sĩ lập tức lên đường làm nhiệm vụ. Thời gian họ ở đơn vị còn nhiều hơn thời gian ở nhà. Chính vì vậy, đơn vị đã là ngôi nhà thứ hai để những họ yêu thương, gắn bó.
Lãnh đạo đơn vị cũng tạo điều kiện để một số chiến sĩ có con nhỏ như Đại úy Cao Hồng Hải có thời gian về thăm con và ở bên gia đình. Còn với Đại úy Hoàng Xuân Dũng, biết vợ anh công tác trong bệnh viện, hay phải đi trực đêm nên chỉ huy đơn vị thường “cố ý” xếp lịch trực của anh “khớp” với vợ để họ có thể chăm sóc gia đình nhiều hơn…
Xác định phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông nước hay trên những địa hình khác, đều là một trong những công việc đương đầu với gian khó, nguy hiểm, áp lực rất cao. Các vụ tai nạn, sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào và đều không được báo trước. Vì vậy, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, các cán bộ, chiến sĩ ngoài việc rèn luyện để có thể lực tốt nhất thì đều đã tôi luyện cho mình một tinh thần “thép”.
Thiếu tá Bùi Duy Long chia sẻ thêm, liên quan đến tính mạng con người, nên cán bộ, chiến sĩ luôn vào nhiệm vụ với trách nhiệm cao nhất. Bí quyết để vượt qua tình huống lặn xuống sâu, áp lực nước lớn, gây khó thở, tai ù, buốt nhói, thậm chí có thể bị chảy máu tai… với người chiến sĩ là nghĩ đến niềm vui của gia đình người bị nạn khi thân nhân được cứu khỏi "tử thần".
Theo thống kê, từ tháng 12-2023 đến nay, Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông đã thực hiện 9 nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ trên sông nước, cứu được 5 trường hợp và tìm thấy 4 thi thể… Con số này còn nhỏ nhoi so với áp lực của nhiệm vụ giữ bình yên tuyến sông nước hàng trăm kilômét chảy qua Hà Nội. Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) tâm sự, chẳng có nghề nào lại mong thất nghiệp như những người lính cứu nạn. Mỗi khi cứu được một người, trong lòng cán bộ, chiến sĩ lại vỡ òa niềm vui, hạnh phúc, tự hào…
Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã nhiều lần nhấn mạnh, cứu nạn, cứu hộ là mặt trận không tiếng súng. Trong bất kỳ tình huống nào, tính mạng, sức khỏe của nhân dân là trên hết. Bảo vệ nhân dân là nhiệm vụ thiêng liêng thôi thúc mỗi cán bộ, chiến sĩ không quản ngại gian khổ, hy sinh. Hơn cả những tượng đài, trong mắt người dân Thủ đô, những chiến sĩ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ luôn là những người anh hùng.
Nhưng từ trong sâu thẳm, chẳng khi nào họ muốn nhận sự vinh danh đó. Người chiến sĩ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ luôn xác định, hoàn thành nhiệm vụ không phải là để được vinh danh hay nhận lại sự mang ơn. Sứ mệnh của họ là sẵn sàng dấn thân, vì sự bình yên cuộc sống người dân Thủ đô!