Sức khỏe

Cảnh báo nguy cơ khi lạm dụng đồ uống có đường

Thu Trang 05/04/2024 17:24

Tại hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của đồ uống có đường đối với sức khỏe và vai trò của chính sách thuế trong kiểm soát tiêu dùng do Bộ Thông tin và truyền thông tổ chức ngày 5-4, các đại biểu đưa ra thực trạng đáng báo động về việc lạm dụng đồ uống có đường, nhất là ở giới trẻ.

Nhiều tác hại

Đề cập nguy cơ lạm dụng đồ uống có đường đến sức khỏe, bà Angela Pratt, Trưởng đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết: Theo nhiều bằng chứng và nghiên cứu trên toàn cầu, lạm dụng đồ uống có đường dẫn đến các vấn đề sức khỏe, như: Béo phì, đái tháo đường tuýp 2 và sâu răng. Đặc biệt, người bị thừa cân, béo phì còn tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ, ung thư… Theo bà Angela Pratt, ở Việt Nam trong 10 năm qua, người dân sử dụng đồ uống có đường gia tăng.

quang-canh-hoi-thao-ngay-5-4.jpg
Quang cảnh hội thảo ngày 5-4.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cảnh báo, hành vi ăn uống là một trong những yếu tố tiên quyết tác động đến tình trạng thừa cân, béo phì và các bệnh mạn tính không lây. Việc lạm dụng đồ uống có đường liên tục sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.

Đơn cử, nếu sử dụng 1 lon nước ngọt/ngày trong vòng 1,5 năm làm tăng 60% vấn đề thừa cân, béo phì. Còn nếu tiêu thụ nước ngọt thường xuyên 1-2 lon/ngày (hoặc nhiều hơn), có nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2 cao hơn 26% so với người hiếm khi uống. Thậm chí, tiêu thụ thường xuyên đồ uống có đường có nguy cơ tăng huyết áp cao hơn 1,36 lần…

“Thu nhập ở các hộ gia đình tăng kéo theo mức tiêu thụ đồ uống tăng lên, trong đó có đồ uống có đường. Người Việt Nam lại thích vị ngọt cao hơn một số nước. Tần suất tiêu thụ đồ uống có đường (nước ngọt có gas, trà sữa…) ở học sinh ngày càng gia tăng, không chỉ gây ra tình trạng thừa cân béo phì mà còn gây hại đến sức khỏe răng miệng…”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trương Tuyết Mai lo ngại.

Đề xuất áp thuế đối với đồ uống có đường

Theo báo cáo của WHO, hiện hơn 110 quốc gia đã áp dụng thuế đối với nước ngọt nhằm giúp giảm lượng tiêu thụ.

do-uong-co-duong.jpg
Đề xuất áp thuế đối với đồ uống có đường.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện của WHO tại Việt Nam, nhiều bằng chứng cho thấy, việc tăng thuế nước ngọt để giá tăng 20% sẽ làm giảm khoảng 20% sức tiêu thụ nhưng với điều kiện thuế tăng được chuyển hết vào giá.

Đơn cử như ở Mexico, 2 năm sau khi áp dụng thuế trên đồ uống có đường, các hộ gia đình có ít nguồn lực nhất đã giảm 11,7% mua đồ uống có đường, so với 7,6% ở dân số chung. Còn ở Nam Phi, với mức thuế khoảng 12%, sức tiêu thụ sản phẩm giảm khoảng 15%...

Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Lâm cho rằng, Việt Nam nên xem xét áp dụng thuế đồ uống có đường ở mức 20% giá bán lẻ theo khuyến nghị của WHO. Mặt khác, nên cân nhắc đánh thuế theo hàm lượng hoặc ngưỡng đường để khuyến khích sản phẩm giảm đường. Ngoài ra, nâng cao nhận thức về cách lựa chọn đồ uống lành mạnh như nước lọc, nước suối… thay vì nước ngọt.

Thêm vào đó, cần ghi nhãn dinh dưỡng mặt trước của sản phẩm thể hiện hàm lượng đường. Đồng thời, hạn chế việc quảng cáo, tiếp thị đồ uống có đường, đặc biệt là hạn chế việc sử dụng đồ uống có đường ở trường học…

Để giảm tác hại của đồ uống có đường đối với sức khỏe, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trương Tuyết Mai cũng đưa ra khuyến cáo, trẻ từ 2 đến 18 tuổi nên hạn chế lượng đường tiêu thụ xuống dưới 25gram/ngày; đồ uống có đường giới hạn không quá 235ml/tuần. Đặc biệt, người dân cần thay đổi hành vi trong ăn uống, sinh hoạt hằng ngày.

Chẳng hạn, nhiều người có thói quen ăn trái cây tươi có chấm thêm muối, hoặc đường. Thậm chí, nhiều món ăn đã được nêm gia vị khi nấu nhưng khi ăn, không ít người vẫn chấm thêm nước mắm… Mọi người nên sử dụng thực phẩm có sẵn đường tự nhiên, hạn chế bổ sung đường tự do vào thực phẩm, đồ uống. Ngoài ra, nên tạo thói quen đọc nhãn dinh dưỡng trên thực phẩm trước khi sử dụng để tránh “nạp” lượng đường không mong muốn.

"Để hạn chế những thực phẩm bất lợi cho cơ thể, trong đó có đường tự do, điều quan trọng là cần có sự thay đổi từ nhận thức của người dân và sự vào cuộc có trách nhiệm của tất cả các bên như: Nhà sản xuất, người bán hàng, người chăm sóc học sinh, chăm sóc dinh dưỡng, các bậc phụ huynh…", Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trương Tuyết Mai nhấn mạnh.

Theo khuyến nghị của WHO, đồ uống có đường được định nghĩa là tất cả các loại đồ uống có chứa đường tự do, bao gồm: Nước ngọt có ga hoặc không có ga, nước ép hoa quả dạng lỏng, cô đặc và bột, nước hương vị, nước tăng lực và thể thao, trà đóng hộp, cà phê uống sẵn và sữa có thêm đường.

Ở cả người lớn và trẻ em, giảm lượng đường tự do ăn vào dưới 10% tổng năng lượng ăn vào hằng ngày, tương đương với 12 thìa cà phê đường. Tốt nhất nên giảm thêm lượng đường tự do ăn vào xuống dưới 5% (6 thìa cà phê đường) trong tổng năng lượng ăn vào sẽ mang lại lợi ích.