Điểm đến

Cô Tô - “viên minh châu” của vùng biển Đông Bắc

Bảo Khánh 05/04/2024 - 08:30

So với nhiều địa phương, Quảng Ninh có tiềm năng du lịch phong phú, nổi trội nhờ sự đa dạng về địa hình với núi và biển.

Nhắc đến Quảng Ninh, người ta nghĩ ngay đến vịnh Hạ Long - Di sản Văn hóa và thiên nhiên thế giới, bán đảo Tuần Châu - “thiên đường” vui chơi giải trí, hay danh thắng Yên Tử - điểm hành hương tâm linh quan trọng của các Phật tử... Không chỉ có vậy, Quảng Ninh còn có nhiều nơi chốn mang vẻ đẹp bí ẩn, hoang sơ chờ du khách tới khám phá như quần đảo Cô Tô - “viên minh châu” của vùng biển Đông Bắc.

co-to.jpg
Một góc đảo Thanh Lân.

Tiềm năng du lịch dồi dào

Nằm ở phía đông của tỉnh Quảng Ninh và cách đất liền hơn 80km, huyện đảo Cô Tô có diện tích 47,3km2, bao gồm 71 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có 3 đảo hiện có người dân sinh sống là Cô Tô lớn, Thanh Lân và đảo Trần. Bên cạnh các đảo lớn còn có các hòn đảo nhỏ mang vẻ đẹp hiếm có, được đặt tên theo hình dạng của chúng như hòn Sư Tử, hòn Cá Chép, Cô Tô con... Đặc biệt, một trong những hòn đảo đẹp nhất là đảo Bảy Sao được hình thành bởi 7 hòn đảo với những núi đá, hang động kỳ vĩ. Còn Thanh Lân là hòn đảo có vị trí quan trọng trong chiến lược quốc phòng - an ninh.

Cô Tô cũng sở hữu nhiều bãi biển đẹp với bờ cát phẳng mịn trải dài như bãi Vàn Chảy, Hồng Vàn, Tình Yêu, Ba Châu... Sự đa dạng sinh học và thiên nhiên hoang sơ của Cô Tô được khẳng định bằng rừng chõi nguyên sinh hàng trăm tuổi chỉ có tại đây. Đến với Cô Tô, du khách đừng quên check-in bãi đá Móng Rồng (Cầu Mỵ) trải dài 2km đã tồn tại hàng triệu năm. Vào thời khắc bình minh hoặc hoàng hôn, đứng trên mỏm đá cao nhất, du khách sẽ được chứng kiến khung cảnh ngoạn mục khi mặt trời và biển khơi hòa làm một, tạo nên bức tranh thiên nhiên thơ mộng, khoáng đạt.

Không chỉ sở hữu những lợi thế nổi bật về thiên nhiên, Cô Tô còn mang trong mình những dấu ấn đặc sắc về văn hóa, lịch sử. Một trong những điểm đến ý nghĩa và quan trọng nhất trên đảo là Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi Bác từng đến thăm đảo vào năm 1961. Cô Tô cũng là nơi duy nhất trên cả nước được Người cho phép dựng tượng lúc sinh thời.

Vào dịp kỷ niệm 61 năm ngày Bác Hồ ra thăm đảo Cô Tô (9/5/1961 - 9/5/2022), công trình Cột cờ chủ quyền Tổ quốc trên đảo được khánh thành, trở thành một dấu mốc khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Du khách cũng có thể tìm hiểu về lịch sử đấu tranh kiên cường của người dân đảo thông qua di tích đền thờ Đại đội Ký Con, nơi lưu dấu chứng tích trận đánh Đồn Cao ngày 13-11-1945 của Đại đội Ký Con để giải phóng Cô Tô. Ngoài ra còn có nhiều công trình tâm linh, tín ngưỡng đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân đảo như chùa Trúc Lâm Cô Tô, Nhà thờ giáo xứ Cô Tô, Nhà thờ giáo họ Thanh Lân...

Hút khách bằng sản phẩm mới

Đến với Cô Tô, du khách không chỉ có kỳ nghỉ dưỡng thú vị, yên bình bên gia đình, bạn bè mà còn được tận hưởng bầu không khí trong lành, thiên nhiên hoang sơ và hòa mình vào nhiều trải nghiệm phong phú như trekking khám phá hang động, cắm trại, câu cá, đạp xe...

Từ năm 2023, Cô Tô đã phát triển một số loại hình trải nghiệm mới như lặn biển ngắm san hô tại đảo Thanh Lân - một trong những sản phẩm “đinh” để thu hút khách đến với Cô Tô, đồng thời đa dạng hóa trải nghiệm và tăng mức chi tiêu của du khách, qua đó vừa góp phần phát triển kinh tế cho địa phương, vừa có thêm nguồn lực tái đầu tư, bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên.

Khẳng định sức hấp dẫn của sản phẩm này, Giám đốc Công ty TNHH Khám phá Cô Tô Phạm Văn Đức cho biết, hiện nay, Thanh Lân là đảo duy nhất ở khu vực phía Bắc khai thác dịch vụ lặn biển ngắm san hô nhờ lợi thế về vùng nước trong xanh, có rạn san hô đẹp và hệ sinh thái dưới nước phong phú, được bảo tồn tốt tại khu vực Hòn Chim, bãi Vụng Tròn, bãi Ngọc Trai. Sản phẩm này không chỉ có sức hấp dẫn với du khách trong nước mà còn được du khách quốc tế, đặc biệt là khách Hàn Quốc rất quan tâm và sẵn sàng trải nghiệm. Theo đó, du khách có thể dùng snorkeling (kính lặn có ống thở) để lặn ngắm san hô ở độ sâu dưới 5m hoặc dùng thiết bị chuyên dụng và trải nghiệm đi bộ dưới đáy biển, ngắm những đàn cá bơi lội tung tăng... Bên cạnh đó còn có các hoạt động đi kèm như chèo SUP, chèo kayak, đi motor nước và cắm trại trên bãi biển Ba Châu.

Không dừng ở đó, Cô Tô còn đa dạng hóa các loại hình phương tiện ra đảo kết hợp với tham quan, ngắm cảnh. Bên cạnh phương tiện truyền thống là tàu gỗ, tàu siêu tốc, du khách có thể trải nghiệm dịch vụ bay thủy phi cơ từ Hạ Long ra Cô Tô. Dịch vụ này tuy có giá khá cao nhưng lại giúp du khách rút ngắn thời gian di chuyển và được ngắm vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long cùng toàn cảnh đảo Cô Tô từ trên cao.

Để đón đầu mùa du lịch hè 2024, theo Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cô Tô Nguyễn Hải Linh, Cô Tô tiếp tục đưa vào khai thác nhiều sản phẩm du lịch mới kết hợp với các dịch vụ đáp ứng tiêu chí “xanh” như xây dựng hệ thống cơ sở lưu trú, dịch vụ, tour không rác thải nhựa; chương trình du lịch kết hợp nhặt rác, bảo vệ môi trường; phát triển sản phẩm du lịch chữa lành, chăm sóc sức khỏe; du lịch thực tế ảo, ứng dụng công nghệ tại Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; du lịch đạp xe trải nghiệm Cô Tô về đêm; khu tổ hợp vui chơi giải trí, thể thao trên biển kết hợp ngắm hoàng hôn tại bãi biển Tình Yêu... Với những dịch vụ, sản phẩm mới này, huyện đảo Cô Tô đặt mục tiêu đón khoảng 300.000 lượt khách du lịch, doanh thu du lịch đạt 900 tỷ đồng trong năm 2024 và khẳng định thương hiệu là “hòn đảo du lịch xanh” gắn với phát triển bền vững.