Phòng “giặc lửa” mùa nắng nóng
Bước vào mùa nắng nóng, tại một số tỉnh, thành phố đã xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về người và tài sản.
Tối 1-4 mới đây, một vụ hỏa hoạn lớn bùng phát tại xưởng gỗ rộng 320m2 nằm ven kênh Tàu Hủ (quận 8, thành phố Hồ Chí Minh) khiến nhiều ngôi nhà kế cận bị thiêu rụi và hư hỏng nghiêm trọng. Còn tại Hà Nội, ngày 12-3 vừa qua cũng xảy ra một vụ cháy tại tổ hợp bar, karaoke, cà phê ở tầng 9 tòa nhà 9 tầng trên phố Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, vào cùng kỳ năm 2023, khi bắt đầu bước vào mùa nắng nóng, toàn quốc đã xảy ra 117 vụ cháy. Trong số này, có 32 vụ cháy do sự cố hệ thống, thiết bị điện (chiếm 69,5%); 8 vụ do bất cẩn khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt (chiếm 17,39%). Nguyên nhân chính khiến số vụ cháy gia tăng được các cơ quan chức năng chỉ ra là do ý thức của người dân.
Đó là thói quen hằng ngày mà không ai ngờ tới như việc quên tắt các thiết bị điện khi ra khỏi nhà; rò rỉ điện từ các thiết bị như tủ lạnh, máy điều hòa, máy giặt, máy nước nóng cũ; dây điện bị trầy xước do chuột cắn gây chập điện; lắp đặt đèn chiếu sáng quá sát với trần nhà... Bên cạnh đó, việc người dân sử dụng các vật liệu như gỗ, tấm nhựa, mút xốp để ốp tường, trần, vách ngăn có nguy cơ rất lớn dẫn đến tình trạng cháy lan nếu có hỏa hoạn xảy ra.
Hiện nay, khu vực Bắc và Trung bộ bắt đầu bước vào đợt nắng nóng đầu tiên năm 2024, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện của người dân tăng cao. Điều này dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ quá tải nguồn điện, thậm chí nguy cơ gây cháy nổ vào những ngày nắng nóng cao điểm. Vì thế, để ngăn ngừa cháy nổ xảy ra, các tổ chức, doanh nghiệp, người dân cần phải nâng cao ý thức tự phòng cháy.
Theo đó, các cơ quan chức năng trước hết cần tăng cường tuyên truyền thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức về các biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy; sử dụng điện an toàn để phòng tránh cháy, nổ để người dân hiểu và thực hiện; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng ứng dụng (app) “báo cháy 114”, truy cập Trang thông tin điện tử và Zalo “Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ” để nâng cao ý thức phòng, cháy chữa cháy. Cơ quan chức năng cũng cần xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình không chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy.
Các hộ gia đình cần bảo đảm và duy trì các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy để loại trừ và giảm đến mức thấp nhất nguy cơ cháy, nổ. Cụ thể là: Trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ; chuẩn bị các phương án thoát nạn và hướng dẫn cho các thành viên trong gia đình cùng biết; cẩn trọng khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã, sử dụng các thiết bị sinh nhiệt như bóng đèn tròn, bàn là, bếp điện…
Một việc đơn giản các gia đình cần thực hiện để hình thành thói quen hằng ngày là trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết. Đồng thời, các gia đình nên kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị điện để lâu ngày không hoạt động khi bước vào mùa nắng nóng. Không sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị tiêu thụ điện vượt quá khả năng chịu tải của dây dẫn. Không sạc điện thoại, xe máy điện, xe đạp điện, thiết bị tiêu thụ điện... qua đêm, khi không có người ở nhà.
Trước tình trạng nguy cơ cháy nổ tiềm ẩn tăng cao đầu mùa nắng nóng, Công an thành phố Hà Nội cũng vừa đưa ra 14 khuyến cáo cụ thể dành cho người dân để bảo đảm an toàn. Và khi mỗi cơ quan, gia đình, cá nhân đều nêu cao ý thức phòng cháy, chữa cháy, "giặc lửa" sẽ không thể hoành hành.