Nền công vụ thành phố Hồ Chí Minh đang đối mặt với 7 thách thức gì?
Để xây dựng nền công vụ hiệu lực, hiệu quả, thành phố Hồ Chí Minh cần huy động đội ngũ công chức có năng lực, động lực và không gian cống hiến, sáng tạo.
Đây là nhận định của các chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo “Xây dựng nền công vụ thành phố Hồ Chí Minh hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024-2030” do UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 4-4.
GS.TS Trần Ngọc Anh (Đại học Indiana Bloomington, Hoa Kỳ) cho rằng, gần 40 năm qua, kể từ sau đổi mới, nền công vụ của thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện được những sứ mệnh quan trọng và đạt được những tiến bộ nhất định.
Tuy nhiên, theo GS.TS Trần Ngọc Anh, hiện nền công vụ thành phố Hồ Chí Minh đang đối mặt với 7 thách thức: Đãi ngộ còn quá thấp và cào bằng; hệ thống đánh giá hiệu quả công việc không rõ ràng; phân bổ biên chế cứng nhắc; tuyển dụng thiếu cởi mở; đào tạo, bồi dưỡng mang tính hình thức; ứng dụng công nghệ, quản trị số chưa trở thành văn hóa công vụ; các quy định pháp luật nhiều ràng buộc, khiến đội ngũ công vụ thường xuyên đối mặt với lằn ranh của sự hợp pháp.
Theo GS.TS Trần Ngọc Anh, 3 trụ cột để có một nền công vụ hiệu lực, hiệu quả là: Năng lực, động lực và không gian. Muốn thu hút đội ngũ công chức có năng lực, điều kiện cần đầu tiên là phải đảm bảo thu nhập đủ sống. Muốn đội ngũ công chức có động lực làm việc, then chốt là trách nhiệm giải trình, then chốt để tạo trách nhiệm giải trình là có một hệ thống đánh giá kết quả công việc rõ ràng. Để tạo không gian cho cống hiến, sáng tạo, thành phố Hồ Chí Minh cần thuyết phục Trung ương trao quyền và xây dựng không gian pháp lý rõ ràng.
Xây dựng được 3 trụ cột này, thành phố Hồ Chí Minh sẽ có đội ngũ công vụ “muốn làm, làm được, được làm”.
Đồng tình với nhận định trên, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, mấu chốt quan trọng nhất là vấn đề lương, trả lương cạnh tranh sẽ thu hút được người có năng lực làm việc. Bên cạnh đó, tuyển dụng phải tuyển đúng người tài và cải cách quy trình, tiêu chuẩn bổ nhiệm nhân sự. Ngoài ra, phải đào tạo liên tục, có tính thực tiễn để công chức đáp ứng yêu cầu công việc. Một trong những yêu cầu quan trọng khác là phải xây dựng nền tảng đạo đức công vụ phù hợp.
PGS.TS Nguyễn Văn Phương, Trưởng Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu quản lý công, Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, thành phố Hồ Chí Minh nên nghiên cứu kỹ lưỡng và đảm bảo các đề án đổi mới quản lý nền công vụ của thành phố phải được triển khai hiệu quả và bảo vệ được cán bộ công viên chức mạnh dạn tham gia mà không phải gặp rủi ro về pháp lý...
Tiến sĩ Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội cho rằng, cho rằng, một nền công vụ hiệu lực, hiệu quả là sản phẩm của mô hình tổ chức chính quyền đô thị phù hợp với đặc điểm và quy mô đô thị cùng với đội ngũ cán bộ, công chức mẫn cán trong công vụ. Do đó, gốc vấn đề vẫn là phải hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị theo hướng nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của mỗi địa phương và xây dựng đội ngũ cán bộ công chức đáp ứng yêu cầu công vụ.
Phát biểu kết luận hội thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, thành phố đang lấy ý kiến để hoàn thiện đề án “Xây dựng nền công vụ thành phố Hồ Chí Minh hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024-2030” với kim chỉ nam là xây dựng một nền công vụ tiên tiến, phục vụ người dân, kiến tạo phát triển. Thành phố xác định đề án này là một trong những chương trình đột phá.
“Thành phố mong muốn các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm của các nước tiên tiến có nền công vụ hiệu quả, để góp ý xây dựng nền công vụ của thành phố theo mô hình vừa phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa phù hợp với vị trí, vai trò của thành phố Hồ Chí Minh với tư cách là một đầu tàu kinh tế của cả nước, một siêu đô thị”, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết, thành phố sẽ nghiên cứu, đề xuất cơ chế khoán biên chế, khoán quỹ lương để bảo đảm thu nhập cho cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, thành phố sẽ nghiên cứu thí điểm xây dựng mô hình vận hành của một sở có tính tương tác cao (tương tác giữa các sở, tương tác với người dân) để nhân rộng ra các sở, ngành khác.