Sức khỏe

Phun thuốc diệt muỗi như thế nào để bảo đảm an toàn?

Thu Trang 04/04/2024 - 12:16

Như Báo Hànộimới đã đưa tin, mới đây một số học sinh Trường Tiểu học Hải Bối (huyện Đông Anh) nghi bị dị ứng sau khi nhà trường phun thuốc diệt muỗi phòng, chống sốt xuất huyết. Vậy, việc phun thuốc diệt muỗi cần tuân thủ những gì để bảo đảm an toàn?

Liên quan đến vấn đề này, ngày 4-4, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương cho biết, việc phun hóa chất diệt muỗi cần có sự hướng dẫn của nhân viên y tế hoặc người được phun, nhất là về tỷ lệ pha và hướng dẫn cách ly an toàn.

ts-dung.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng trong phòng thí nghiệm, nuôi muỗi sốt xuất huyết đề nghiên cứu.

Hiện nay, có 2 cách phun thuốc diệt muỗi. Cụ thể:

Cách thứ nhất là phun tồn lưu. Đây là biện pháp kiểm soát côn trùng hiệu quả trong thời gian dài từ vài tuần đến vài tháng. Với cách phun này, việc sử dụng thuốc để phun trực tiếp lên bề mặt tường, hốc tủ, gầm giường… khiến côn trùng khi tiếp xúc sẽ bị tiêu diệt. Khi sử dụng cách phun tồn lưu thì không cần phải đóng cửa.

Cách thứ hai là phun không gian. Cách phun này chỉ có tác dụng diệt tức thời đàn muỗi trưởng thành tại thời điểm phun, không có hiệu quả lâu dài. Khi phun bắt buộc phải đóng kín cửa.

Để bảo đảm an toàn, theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng, khi phun thuốc diệt muỗi cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất và khuyến cáo của Bộ Y tế. Người thực hiện việc phun thuốc diệt muỗi cần phải biết đối tượng phun là ai. Nếu như phun tại nơi có nhiều trẻ nhỏ thì chỉ phun lên tường, hốc tủ, góc nhà…, không phun lên đồ chơi, bàn ghế.

“Nếu chẳng may phun lên bàn ghế, bề mặt, đồ chơi… mà trẻ dễ tiếp xúc thì cần lau sạch bàn ghế, bề mặt, vệ sinh đồ chơi thật kỹ trước khi cho trẻ vào phòng học tập, sinh hoạt và sử dụng. Nếu không, khi trẻ nhỏ tiếp xúc với loại thuốc này sẽ rất dễ gây ra dị ứng.

Ngoài ra, khi tiếp xúc với đồ vật có dính hóa chất diệt muỗi mà bị dị ứng thì cũng không nên quá lo lắng. Bởi vì đây là phản ứng bình thường của cơ thể bị mẫn cảm với hóa chất. Trước tiên, người dân cần rửa sạch vùng tiếp xúc với hóa chất bằng xà phòng tắm và nước sạch. Trong trường hợp bị nặng, cần đến các cơ sở y tế để các bác sĩ thăm khám và đưa ra liệu pháp xử lý phù hợp, không tự ý mua thuốc chống dị ứng về uống”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng lưu ý.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng khẳng định, phun thuốc diệt muỗi là phun với một lượng hóa chất hợp lý theo hướng dẫn của Bộ Y tế và của nhà sản xuất, nên thường sẽ không lo ngại việc thuốc ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, trong quá trình phun thuốc, nếu phun không đúng liều lượng, không đúng quy trình sẽ không diệt được muỗi, thậm chí gây dị ứng khi con người tiếp xúc, với những biểu hiện như: Ngứa, rát da, đỏ mắt…

phun-thuoc.jpg
Người phun thuốc diệt muỗi phải được đào tạo và cấp giấy chứng nhận chuyên môn.

Hiện nay, trên thị trường có nhiều công ty phòng, chống côn trùng cung cấp đủ loại thuốc phun diệt muỗi. Do đó, Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng khuyến cáo, các nhà trường, các đơn vị hay các hộ gia đình có nhu cầu phun thuốc diệt muỗi cần lựa chọn các cơ sở uy tín. Đặc biệt, khi lựa chọn thuốc diệt muỗi cần chú ý đến nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm được cấp phép sử dụng theo quy định, có chỉ số an toàn cao đối với con người.

Đối với người dân, tuyệt đối không tự ý mua hóa chất diệt côn trùng về phun. Bởi việc phun thuốc muỗi cần tuân thủ đúng liều lượng, nếu không có thể dẫn tới tình trạng côn trùng kháng thuốc. Thậm chí, nếu phun không đúng cách cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người trong gia đình.

“Người phun thuốc diệt muỗi phải được đào tạo và cấp giấy chứng nhận chuyên môn về sử dụng hóa chất. Thời gian phun thuốc tốt nhất nên vào sáng sớm. Với cơ quan hay trường học, khi tiến hành phun cần chọn thời điểm vào cuối tuần khi học sinh được nghỉ học”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong 3 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn thành phố ghi nhận 543 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 349 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023); số mắc cao chủ yếu trong tháng 1-2024 với 408 trường hợp được ghi nhận.