TP Hồ Chí Minh: Chương trình bình ổn thị trường năm 2024 thu hút nhiều doanh nghiệp lớn
Năm nay, Chương trình bình ổn thị trường TP Hồ Chí Minh thu hút 69 doanh nghiệp đầu mối tham gia, tăng 10 đơn vị so với năm 2023.
Ngày 3-4, Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh cho biết, theo kế hoạch thực hiện Chương trình bình ổn thị trường năm 2024 vừa ban hành, có 69 doanh nghiệp đầu mối tham gia, tăng 10 doanh nghiệp so với năm 2023. Phần lớn các doanh nghiệp tham gia chương trình có quy mô lớn, thương hiệu uy tín, chiếm thị phần cao và là đầu mối của các chuỗi cung ứng.
Cụ thể, hoạt động phân phối có các doanh nghiệp bán lẻ lớn nhất cả nước như: Saigon Co.op, Satra, Bách Hóa Xanh, Central Retail, MM Mega Market, AEON, Fahasa… Hoạt động sản xuất, cung ứng có các doanh nghiệp quy mô rất lớn như: Vinamilk, Nutifood, Vissan, Vinh Phát, Ba Huân, San Hà, C.P Việt Nam, Vissan, Vinamit, Lương thực thành phố Hồ Chí Minh, Bình Tây, Miliket, Saigon Food, Cholimex, Intermix…
Chương trình năm nay cũng huy động thêm nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, có thương hiệu lần đầu tiên tham gia như: Tập đoàn Lộc Trời (mặt hàng gạo), Tổng công ty may 28 (đồng phục học sinh, nước uống), Sapuwa (nước uống), ION LIFE (nước uống), Family Mart (phân phối), Hòa Phát (nước tẩy rửa), Công ty cổ phần Thế giới di động (dụng cụ điện tử phục vụ học tập)…
Theo Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, sự tham gia đa dạng của các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực giúp gia tăng sản lượng, tăng cơ hội tiếp cận, mua sắm hàng hóa bình ổn thị trường cho mọi đối tượng người tiêu dùng, nâng cao khả năng chi phối, điều tiết thị trường của chương trình.
Về danh mục hàng bình ổn thị trường, so với năm 2023, năm nay chương trình mở rộng, bổ sung nhiều nhóm mặt hàng, đặc biệt là nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu: Hóa phẩm tẩy rửa, khăn giấy, túi rác phân huỷ sinh học… Nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu có thêm: Muối, nước uống. Nhóm mặt hàng phục vụ học tập có thêm thiết bị điện tử như laptop, máy tính để bàn, máy in...
Lượng hàng bình ổn thị trường năm 2024 tăng 4% - 6% so năm 2023, chiếm từ 21% - 32% thị phần trong tháng thường, chiếm từ 24% - 41% nhu cầu thị trường trong tháng Tết, đủ sức chi phối, điều tiết thị trường.
Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh cho biết, về cơ chế thực hiện, năm nay có điểm mới là chương trình bổ sung hình thức tham gia hỗ trợ doanh nghiệp, như hỗ trợ về: Giá thuê mặt bằng kinh doanh, bán lẻ; dịch vụ vận chuyển hàng bình ổn thị trường; xây dựng thương hiệu… Đồng thời, chương trình bổ sung nhiều quyền lợi của doanh nghiệp tham gia như hỗ trợ truyền thông, quảng bá, tôn vinh thương hiệu sản phẩm.
Bên cạnh đó, năm 2024, chương trình kết hợp đồng bộ với nhiều chương trình, đề án hỗ trợ sản xuất, phát triển kinh doanh của thành phố như: Kích cầu tiêu dùng, kết nối tín dụng, kết nối cung cầu, khuyến mại tập trung, xúc tiến du lịch, hợp tác kinh tế - xã hội với các địa phương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm… Qua đó, nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thành phố nói chung, doanh nghiệp bình ổn thị trường nói riêng.