Khởi tố thêm 3 bị can liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3-4, Trung tướng Tô Ân Xô thông tin, Cơ quan điều tra Bộ Công an đang tiến hành tố tụng liên quan vụ án xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil.
Cụ thể, Cục An ninh điều tra Bộ Công an (A09) vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 bị can gồm: Trần Duy Đông, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) về tội "Nhận hối lộ"; Đinh Tiến Dũng, Kế toán trưởng Công ty Xuyên Việt Oil; Nguyễn Tấn Long, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Xuyên Việt Oil, để điều tra về hành vi "Đưa hối lộ".
Trước đó, liên quan đến vụ Công ty Xuyên Việt Oil, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an thi hành quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét đối với ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương về tội "Nhận hối lộ".
Thông tin với báo chí về tiến độ điều tra vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an, cho biết, Bộ Công an tiếp tục điều tra theo kế hoạch đã đề ra. Hiện nay, Cơ quan Điều tra đã thu hồi 55 tỷ đồng và 1,6 triệu USD do các bị can nộp lại. Đồng thời, đang rà soát kê biên, phong tỏa nhiều tài sản có giá trị của các bị can và đối tượng liên quan phục vụ công tác thu hồi tài sản, khắc phục hậu quả.
Tại họp báo, phóng viên đặt câu hỏi với Bộ Công an về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Đặng Tất Thắng về hành vi đăng tải trên mạng xã hội thông tin sai sự thật, xâm phạm uy tín, hình ảnh của tổ chức, cá nhân. Vụ việc này bị xử lý như thế nào khi thông tin này tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam những ngày qua? Trong trường hợp người đưa thông tin sai sự thật đang ở nước ngoài thì biện pháp xử lý tiếp theo của Bộ Công an ra sao?
Trả lời câu hỏi này, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, thông tin sai sự thật sẽ bị điều chỉnh bởi Luật An ninh mạng, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự và các quy định khác của pháp luật liên quan. Tất cả những ai vi phạm pháp luật đều bị xử lý bằng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Cơ quan chức năng phải xử lý sớm thông tin sai sự thật, thông tin xấu độc và xử lý vụ việc theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân chấp hành nghiêm quy định về thông tin, phát ngôn.
Trước đó, Facebook mang tên “THANG DANG” có đăng tin về việc ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank bị cấm xuất cảnh vì tham gia rửa tiền cho bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Công ty Vạn Thịnh Phát và một số thông tin khác. Ngay sau đó, Bộ Công an khẳng định đây là thông tin sai sự thật.
Về việc xử lý các hoạt động tội phạm trên không gian mạng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, thời gian qua, hoạt động tội phạm và chống phá trên không gian mạng diễn ra phức tạp. Trong quý I-2024, các cơ quan chức năng của Bộ Công an đã phát hiện hơn 20 triệu cảnh báo các hoạt động tấn công mạng, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 3 vừa qua, Bộ Công an phát hiện hơn 7 triệu cảnh báo, tăng 60% so với tháng 2-2024. Vì thế, nhiều hệ thống mạng của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bị tấn công nhằm thay đổi giao diện, lấy cắp thông tin bí mật…
Đối với tội phạm mạng cũng gia tăng khi các đối tượng lợi dụng mạng để tổ chức đánh bạc. Tháng 3 vừa qua, Cảnh sát hình sự Bộ Công an đã khởi tố 42 vụ với 252 đối tượng với số tiền đánh bạc lên tới hàng trăm tỷ đồng. Đồng thời, 3 tháng qua, việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng cũng gia tăng với 605 vụ và bắt giữ 377 đối tượng, số tiềm chiếm đoạt hơn một trăm tỷ đồng, mặc dù tại các địa phương chưa thống kê.
“Bộ Công an đề nghị, các cơ quan, doanh nghiệp tăng cường các biện pháp bảo đảm thông tin mạng. Người dân tham gia tố giác tội phạm, không tin, không nghe, không làm theo hướng dẫn qua các dịch vụ để dễ bị lừa đảo”, ông Tô Ân Xô nhấn mạnh.