Giảm lãi suất, tín dụng có tăng trưởng?
Lãi suất tiết kiệm tiếp tục được các ngân hàng thương mại kéo xuống “đáy” lịch sử 1,6%/năm để có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu lãi suất giảm có giúp tăng trưởng tín dụng được cải thiện?
Ngay từ đầu tháng 4, ngân hàng trong nhóm “Big 4” là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) thông báo giảm lãi suất tiết kiệm cho khách hàng cá nhân đối với các kỳ hạn 12 tháng trở xuống.
Theo đó, lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng chỉ còn 1,6%/năm, giảm 0,1%/năm so với trước đó; kỳ hạn 3 tháng: 1,9%/năm; 6-9 tháng: 2,9%/năm; 12 tháng: 4,6%/năm, thấp nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước.
Các ngân hàng còn lại là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cùng niêm yết lãi suất tiết kiệm trực tuyến kỳ hạn 6-11 tháng là 3%/năm; 12-18 tháng: 4,7%/năm; 24-36 tháng: 4,7-4,8%/năm; kỳ hạn ngắn 1-2 tháng: 1,7%/năm; 3-5 tháng: 1,9-2%/năm.
Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cũng đang kéo mặt bằng lãi suất xuống thấp. Trong đó, Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank) giảm lãi suất huy động kỳ hạn 6-9 tháng đầu tháng 4 với mức giảm 0,2%/năm, xuống 3,8%/năm.
Các ngân hàng khác cũng áp dụng lãi suất thấp. Chẳng hạn như đối với Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), biểu lãi suất mới giảm 0,2-0,4%/năm so với cùng kỳ tháng 3. Cụ thể, kỳ hạn 6 tháng giảm 0,4% còn 3,3%/năm; 9, 12 tháng giảm 0,3% xuống lần lượt 3,6%/năm và 4,3%/năm; 24 tháng giảm 0,2%/năm xuống 4,4%/năm.
Hay Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) giảm lãi suất 0,2-0,4%/năm, trong đó, kỳ hạn 6 tháng giảm 0,3% xuống 3,5%/năm; 6 tháng giảm 0,4% còn 3,6%/năm; 12, 24 tháng giảm 0,2% xuống 4,5%/năm và 5,6%/năm.
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) điều chỉnh mạnh nhất, giảm 0,4-1%/năm, kéo kỳ hạn 6 tháng giảm 0,7% xuống 3%/năm; 6 tháng giảm 0,7% xuống 3,2%/năm; 1 năm giảm 1% còn 3,55%/năm; 24 tháng giảm 0,4% xuống 4,6%/năm.
Như vậy, lãi suất bình quân đối với tiền gửi tiết kiệm (lãi suất huy động) giảm 0,1-1%/năm so với đầu tháng 3.
Cùng với việc giảm lãi suất đầu vào, các ngân hàng cũng đẩy mạnh việc công bố lãi suất cho vay. Agribank có lãi suất cho vay ngắn hạn đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên là 4%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn thông thường tối thiểu là 5%/năm; cho vay trung, dài hạn tối thiểu là 6%/năm… BIDV có lãi suất cho vay bình quân 6,49%/năm; chênh lệch giữa lãi suất cho vay bình quân với lãi suất huy động vốn bình quân là 3,12%/năm.
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) công khai lãi suất cho vay bình quân là 7,76%/năm, trong đó, lãi suất cho vay bình quân đối với khách hàng cá nhân là 8,85%/năm; khách hàng doanh nghiệp 7,34%; chênh lệch lãi suất bình quân là 3,75%.
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) áp dụng lãi suất cho vay bình quân dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp là 8,07%/năm; lãi suất bình quân đối với tiền gửi tất cả kỳ hạn: là 5,82%/năm; chênh lệch lãi suất bình quân 2,25%/năm.
Các chuyên gia cho rằng, nhìn vào tăng trưởng tín dụng quý I không như mong đợi, có thể hiểu rằng hệ thống ngân hàng vẫn đang ứ vốn. Thanh khoản càng dồi dào, ngân hàng càng điều tiết sang các hoạt động khác như cho vay trên thị trường liên ngân hàng, thực hiện những hoạt động đầu tư, như đầu tư chứng khoán (thường là trái phiếu), rồi thông qua những thực hành về chiến lược kinh doanh (thành lập quỹ đầu tư, hoặc chuyển đổi số...). Đó là lý do các ngân hàng giảm lãi suất.
Đối với những ngân hàng có quy mô nhỏ, thanh khoản có những thời điểm khó khăn nhất định sẽ huy động vốn trên thị trường liên ngân hàng bằng cách thực hiện tăng điểm lãi suất tại các kỳ hạn ngắn. Ngân hàng có hành động tăng lãi suất nhưng mức tăng không đáng kể và nó vẫn nằm trong mặt bằng chung lãi suất giảm.
Các chuyên gia cũng dự báo, từ nay đến cuối năm, lãi suất liên ngân hàng khoảng 2,5-3%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn 5-7%/năm. Lãi suất sẽ không thể giảm sâu hơn vì tín dụng có cơ hội tăng trưởng trở lại. Hơn nữa, lãi suất giảm mạnh có thể gây áp lực lên tỷ giá.