Nông nghiệp

Cùng hưởng lợi từ mô hình kinh tế tập thể

Bạch Thanh 03/04/2024 - 06:49

Với sự chung tay của các cấp, ngành, địa phương, trên địa bàn Hà Nội hình thành ngày càng nhiều mô hình kinh tế tập thể hoạt động có hiệu quả.

Qua đó, nông dân nhận thức rõ hơn về vai trò của kinh tế tập thể, tự đứng ra thành lập các tổ, hội trên tinh thần cùng hợp tác trên một lĩnh vực lao động, cùng chia sẻ và cùng hưởng lợi.

nn-1.jpg
Mô hình liên kết trồng cây mai trắng tại thôn An Hòa (xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì) cho hiệu quả kinh tế cao.

Thôn Cua Chu và thôn An Hòa (xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì) có lợi thế trồng cây đào và cây mai trắng. Vì vậy, chính quyền địa phương và Hội Nông dân xã đã tích cực hỗ trợ người dân về vốn, kỹ thuật để đưa hai loại cây này thành cây thế mạnh. Không những vậy, nông dân nơi đây còn đẩy mạnh việc thành lập hợp tác xã làng nghề, chi hội nghề nghiệp trồng đào, mai để phát triển hơn nữa loại cây này.

Hiện tại, huyện Ba Vì có 102 hợp tác xã đang hoạt động; trong đó có 14 hợp tác xã liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, 9 hợp tác xã ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất và 7 hợp tác xã được cấp các loại giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP, vệ sinh, an toàn thực phẩm. Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Vì Nguyễn Văn Trường, thông qua liên kết sản xuất, các mô hình kinh tế tập thể của huyện Ba Vì đã phát huy lợi thế, thúc đẩy phát triển các sản phẩm nông nghiệp. Nông dân nhận thức rõ hơn về vai trò của kinh tế tập thể, tự đứng ra thành lập các tổ, hội trên tinh thần cùng hợp tác trên từng ngành nghề sản xuất, cùng mối quan tâm, chia sẻ, cùng trách nhiệm và cùng hưởng lợi.

Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các làng nghề truyền thống, xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) đã đẩy mạnh liên kết các làng nghề với hợp tác xã nông nghiệp. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Nghĩa Hoàng Đăng Trãi thông tin, hợp tác xã đã tích cực tuyên truyền, vận động các thành viên cũng như bà con địa phương tham gia vào làng nghề sản xuất mây, tre đan. Cụ thể, hợp tác xã đã liên kết với Hội Doanh nghiệp mây tre Phú Vinh để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các làng nghề, thu hút nhân lực trẻ tham gia vào công việc này. Chính quyền địa phương đã phối hợp với hợp tác xã hỗ trợ việc thiết kế tem mác, quảng bá thương hiệu; giới thiệu các đơn vị liên kết để tổ chức sản xuất, thu mua sản phẩm, xây dựng vùng nguyên liệu...

Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Nguyễn Đức Học thông tin, thời gian qua, huyện đã chú trọng đến việc xây dựng các mô hình kinh tế tập thể đa dạng trong mọi lĩnh vực, từ kinh tế nông nghiệp đến kinh tế làng nghề. Ngoài việc tuyên truyền về vai trò, vị thế, ý nghĩa của kinh tế tập thể, các chương trình tập huấn về khoa học, kỹ thuật, hỗ trợ vay vốn cũng được địa phương quan tâm.

Nói về việc chung tay phát triển các mô hình kinh tế tập thể, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa cho biết, Hội Nông dân thành phố đã xây dựng thành công gần 200 chi hội nghề nghiệp, 2.327 tổ hội nghề nghiệp, với hàng chục nghìn hội viên tham gia… Việc xây dựng các chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp đã tạo tiền đề cho việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, góp phần phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể.

Còn Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Hà Nội Đỗ Huy Chiến cho hay, Hà Nội phấn đấu đến năm 2030 có hơn 3.000 hợp tác xã; thành lập mới từ 1.000 hợp tác xã và 15 liên hiệp hợp tác xã trở lên; 100% số hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, liên hiệp hợp tác xã hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã. Trong đó, số hợp tác xã hoạt động loại tốt, khá chiếm từ 70% trở lên; có 250 mô hình hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững; 100% quỹ tín dụng nhân dân và hợp tác xã dịch vụ điện năng thực hiện chuyển đổi số…

Để các hợp tác xã phát triển mạnh mẽ hơn nữa, Liên minh Hợp tác xã Hà Nội đã phối hợp với Hội Nông dân, ngành Nông nghiệp và các địa phương của thành phố tìm cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động. Đặc biệt, Liên minh Hợp tác xã Hà Nội và Hội Nông dân thành phố đã ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể giai đoạn 2024-2028, với nhiều nội dung quan trọng... Hy vọng rằng, với sự chung tay này, kinh tế tập thể trên địa bàn thành phố sẽ có nhiều bước bứt phá.